Vai trò của các giác quan đối với sự phát triển tâm lý của trẻ 0-6 tuổi-Th.S Lê Ngọc Bảo Trâm

22/05/2023 2622

Mục lục

    Tại sao 0-6 tuổi là giai đoạn vàng cho sự phát triển giác quan của trẻ?

    Trong giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi, bé được làm quen và khám phá thế giới xung quanh thông qua các giác quan. Năm giác quan gồm có thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác và xúc giác đã được hình thành ngay từ trong giai đoạn bào thai, giúp bé kết nối với môi trường trong bụng mẹ và cả mẹ nữa. Sau khi chào đời, 5 giác quan này vẫn sẽ tiếp tục phát triển và hoàn thiện các chức năng của mình. Nhờ vào sự hình thành và phát triển của các nơ ron thần kinh từ sớm, não của em bé sơ sinh đã có khoảng 1/6 các kết nối của nơ-ron thần kinh (khớp thần kinh) so với não của người lớn. Các kết quả nghiên cứu cho thấy từ khi bé được 12 tháng tuổi, các kết nối nơ-ron thần kinh này đã phát triển gấp đôi não người lớn (Huttenlocher, 1990; Casey và cs, 2000; Gogtay và cs, 2004), nhờ vào quá trình bé được tiếp xúc, học hỏi và khám phá thế giới xung quanh. Vì vậy, bé càng có nhiều trải nghiệm thì các nơ-ron thần kinh càng có cơ hội tạo ra nhiều kết nối. 


    Trên thực tế, các kết nối đã được hình thành sẽ không tồn tại mãi theo thời gian mà có sự “đấu tranh sinh tồn” diễn ra, trong đó, chỉ những kết nối được sử dụng nhiều nhất mới tồn tại trong quá trình cắt tỉa này (Eisenberg, 1999). Kết quả đó phụ thuộc vào quá trình bé được học hỏi và củng cố những kiến thức đã được nhận từ môi trường xung quanh. Cùng với việc học tập, sau 3 tuổi, sự phát triển não bộ của bé vẫn tiếp tục diễn ra, cho đến giai đoạn 5-6 tuổi thì kích thước bộ não của bé đã to gần bằng người lớn rồi. Điều này đã giải thích vì sao 0 đến 6 tuổi được xem là “giai đoạn vàng” để bé được phát triển về nhận thức, vận động và ngôn ngữ thông qua cửa ngỏ là các giác quan. Các giác quan càng nhạy bén thì quá trình tiếp thu và xử lý thông tin từ môi trường xung quanh càng nhanh chóng và chính xác hơn. 

    Về thị giác

    Khớp thần kinh tại vùng vỏ não thị giác hình thành nhanh chóng giúp bé có thể tương tác với thế giới xung quanh thông qua đôi mắt của mình. Các bé rất thích và chú ý những vật được chiếu sáng, hình tròn và có chuyển động. Khi càng lớn lên thì trường thị giác của bé sẽ phát triển hơn, phù hợp với nhu cầu nhận thức ngày càng tăng về thế giới xung quanh. Nhờ vậy, bé có thể mở rộng không gian hoạt động vận động, vui chơi, khám phá của mình. 

    Về thính giác

    Các bé rất nhạy cảm với âm thanh và nghe rõ âm thanh nào có âm sắc vừa phải (không quá cao cũng không quá thấp) trong dải tiếng nói của mọi người. Từ 4,5 tháng tuổi, bé đã có thể phân biệt âm thanh trong lời nói như nguyên âm và phụ âm, qua đó bé có thể nhận biết được tên mình, bắt chước và học ngôn ngữ. Bên cạnh đó, bé có thể dùng âm thanh để định vị đồ vật và hướng hoạt động vận động của mình về nơi tạo ra âm thanh. 

    Về xúc giác

    Thông qua việc tiếp xúc da như sờ, chạm, bé được khám phá về bản thân mình và thế giới xung quanh. Bé rất nhạy cảm với sự sờ - chạm trên các bề mặt tiếp xúc, ví dụ như khi chạm tay vào 1 vật góc cạnh khiến bé đau và rụt tay lại, bày tỏ sự sợ hãi. Xúc giác được xem là giác quan rất quan trọng giúp bé được kết nối và có cảm xúc với mọi người, mọi vật xung quanh mình, đặc biệt là mẹ, trong việc học hỏi và tránh các kích thích nguy hiểm.

    Về Khứu giác

    Ngay từ khi chào đời, bé đã dùng khứu giác để nhận biết mùi của mẹ. Nhờ nhạy cảm về khứu giác, bé có thể học cách phân biệt các mùi làm mình dễ chịu hoặc khó chịu, từ đó có phản ứng với chúng. Một nghiên cứu rất thú vị của Maurer (1988) cho thấy bé đã thể hiện nét mặt thư giãn khi ngửi mùi mật ong hoặc sô-cô-la; trong khi đó bé, lại nhăn mặt, cau mày hoặc ngoảnh đi khi ngửi mùi trứng thối.

    Về vị giác

    Vị giác của bé đã được hình thành ngay từ trong bụng mẹ và tiếp tục phát triển sau khi chào đời. Bé cũng sử dụng vị giác để nhận biết thức ăn/uống và cả việc khám phá các sự vật xung quanh. Trong quá trình tiếp xúc bằng vị giác, bé cũng có phản ứng khác nhau, như: mỉm cười, bú mút và liếm môi khi nếm thức ăn/uống có vị ngọt; nhăn mặt khi nếm vị đắng và chua.

    Các cách giúp bé phát triển đa giác quan tốt nhất

    Mỗi giác quan dù có đặc tính và chức năng ưu việt khác nhau nhưng chúng lại bổ trợ cho nhau. Việc tác động vào một giác quan nhất định cũng sẽ giúp tăng hiệu quả của các giác quan kia. Ví dụ: Một bông hoa có màu đỏ rực sẽ làm bé chú ý nhìn vào, nhờ vậy bé sẽ đến gần và sờ chạm, ngửi, thậm chí là nếm bông hoa, từ đó bé sẽ chăm chú nghe và bắt chước mẹ gọi tên bông hoa đó. Vì vậy, quá trình học hỏi của bé cần được kết hợp nhiều giác quan để giúp nâng qua hiệu quả về nhận thức, vận động và ngôn ngữ.  Để làm được điều này, ba mẹ cần tạo cơ hội để bé tiếp xúc với nhiều hoạt động tương tác và trò chơi như: 

    Chơi ngoài trời và trong thiên nhiên

    Thông qua các trò chơi vận động như trốn tìm hay tìm vật, bé sẽ được nghe nhiều âm thanh khác nhau, nhìn thấy nhiều sự vật với nhiều màu sắc khác nhau, và có thể sờ chạm vào các sự vật được nghe hay nhìn thấy. Điều này sẽ giúp bé giúp bé hình thành những khái niệm về sự vật, sự việc xung quanh và có thể gọi tên chúng. 

    Chơi với các vật dụng trong gia đình

    Ba mẹ có thể cho bé cùng làm việc nhà như nhặt rau, rửa chén, … Qua đó, bé có thể nhận biết được các loại rau khác nhau có màu sắc, mùi hương và độ mềm mịn khác nhau; chén sứ sẽ có bề mặt, âm thanh va chạm và độ nặng khác chén nhựa; …… Hơn nữa, việc sử dụng các ngón tay linh hoạt sẽ giúp trẻ phát triển vận động tinh.

    Chơi với đồ chơi

    Các loại đồ chơi cho bé thường có nhiều màu sắc sặc sỡ, hình dáng tròn và dễ thương, hình thức tương tác với các giác quan đa dạng như bộ gõ đàn, lắp ghép hình, búp bê, đồ hàng, … với nhiều chất liệu như gỗ, nhựa, vải, bông, cát, ….

    Chơi với sách

    Bên cạnh chức năng truyền đạt thông tin và giáo dục, sách còn đóng vai  là một món đồ chơi đặc biệt của bé. Với đặc điểm có các ô lật-mở, nút âm thanh, vật mô phỏng, ….sách tương tác đã kích thích sự tò mò của bé, khuyến khích bé cùng chơi để mở ra những điều mới lạ. Thông qua việc cùng tác động vào các giác quan khác nhau, những kiến thức, bài học đã được truyền tải đến bé một cách sáng tạo và vô cùng thú vị. 

    Theo thông tin nghiên cứu từ các báo cáo khoa học uy tín trên thế giới của thạc sĩ tâm lý LÊ NGỌC BẢO TRÂM (Giảng viên khoa Tâm lý, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn TPHCM, 15 năm kinh nghiệm làm việc về các hoạt động giáo dục, tham vấn tâm lý, nghiên cứu và thực hành tâm lý trên đối tượng trẻ em, Nhà thực hành Viện nghiên cứu “Cha mẹ kiệt sức” của Bỉ, thành viên của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (American Psychological Association)

     

    CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN

    1. Vai trò của sách tương tác với sự phát triển các giác quan của trẻ  - Th.S Lê Ngọc Bảo Trâm

    2. Vai trò của các giác quan đối với sự phát triển tâm lý của trẻ 0-6t

    3. SÁCH TƯƠNG TÁC VÀ SỰ PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ CỦA BÉ - Th.S Lê Ngọc Bảo Trâm

    4. SỰ PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC CỦA TRẺ GIAI ĐOẠN 0-6 TUỔI - Th.S Lê Ngọc Bảo Trâm

    5. SÁCH TƯƠNG TÁC PHÁT TRIỂN CẢM XÚC CỦA TRẺ 0-3 TUỔI - Th.S Tâm lý Lê Ngọc Bảo Trâm

    6. SÁCH TƯƠNG TÁC PHÁT TRIỂN CẢM XÚC CỦA TRẺ 3-6 TUỔI - Th.S Tâm lý Lê Ngọc Bảo Trâm

    7. SÁCH TƯƠNG TÁC PHÁT TRIỂN VẬN ĐỘNG TINH CHO BÉ 0-6 TUỔI - Th.S Tâm lý Lê Ngọc Bảo Trâm

     

    =>> Tìm hiểu thêm về sách tương tác thông minh

     

     


     

    Đọc tiếp

    Tags

    Tin liên quan

    Lên đầu trang