5 yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự hình thành tính cách của trẻ

01/06/2022 3674

Các cụ ngày xưa có câu “Cha mẹ sinh con trời sinh tính”, rồi nhiều bậc phụ huynh nhận thấy con mình có tính cách chẳng giống ai, có người lại thấy con giống hệt bố hoặc mẹ. Hay các anh chị em trong cùng một nhà lại có tính cách hoàn toàn trái ngược nhau.

Các cụ ngày xưa có câu “Cha mẹ sinh con trời sinh tính”, rồi nhiều bậc phụ huynh nhận thấy con mình có tính cách chẳng giống ai, có người lại thấy con giống hệt bố hoặc mẹ. Hay các anh chị em trong cùng một nhà lại có tính cách hoàn toàn trái ngược nhau. Những quan điểm này đều có điểm đúng nhưng chưa đủ, vì tính cách của một con người hình thành dựa trên rất nhiều yếu tố. Và mỗi đứa trẻ khi sinh ra là một cá thể đặc biệt với những đặc điểm tính cách riêng. Chỉ khi chúng ta hiểu rõ con thuộc nhóm tính cách nào (hướng nội hay hướng ngoại, lý trí hay cảm xúc) và bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ra sao thì mới có thể nuôi dưỡng những tính cách tốt đẹp, sửa đổi những tính xấu, giúp trẻ hòa nhập được với mọi người nhưng vẫn không mất đi bản sắc riêng của mình.

Tính cách được hiểu là những đặc điểm tâm lý ổn định có ảnh hưởng trực tiếp đến suy nghĩ, lời nói và hành động của một con người. Tính cách của một người được thể hiện rõ nhất qua tương tác, cách ứng xử của họ với mọi người xung quanh và xã hội. Cùng là yêu thương nhưng đứa trẻ hướng nội không giỏi nói lời ngọt ngào mà bày tỏ qua hành động quan tâm tinh tế còn những đứa trẻ hướng ngoại lại thích bày tỏ qua những lời nói trực tiếp và những hành động mạnh mẽ như ôm, hôn. Mỗi kiểu tính cách đều có thể phát triển theo hai chiều hướng: tốt và xấu. Ví dụ, giàu lòng vị tha, biết đồng cảm là tốt nhưng nhạy cảm, lụy tình, hay tự ái lại không tốt. Hay tự tin, nhiệt tình là tốt nhưng háo thắng, xốc nổi lại không tốt. Vậy nên, cha mẹ cần thấu hiểu đặc điểm tâm lý của con để uốn nắn thành những tính cách tốt đẹp.

Tính cách của trẻ cũng không phải do bẩm sinh mà phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như sau.

Di truyền bẩm sinh:

Mã gen, cấu trúc não bộ, cấu tạo và hoạt động các giác quan của trẻ sẽ có xu hướng được truyền lại từ cha mẹ của mình. Chúng ta có thể dễ dàng thấy trẻ có hứng thú, cách giải quyết vấn đề hay khả năng về một lĩnh vực nào đó giống cha mẹ. Di truyền vì thế là nền tảng cho việc phát triển tâm lý và nhân cách ở một con người.

Môi trường gia đình:

Gia đình được xem là cái nôi đầu tiên và quan trọng nhất để nuôi dưỡng tính cách của một con người. Con trẻ có xu hướng học hỏi, bắt chước từ những gì gần gũi nhất với mình, học theo cách ông bà, cha mẹ của mình cư xử. Cha mẹ trung thực sẽ nuôi dạy được những đứa trẻ thật thà. Cha mẹ vui vẻ, con sẽ có tính cách tươi sáng. Cha mẹ khiêm nhường, con sẽ khiêm tốn,... Đặc biệt là một mái nhà giàu tình yêu thương, các thành viên quan tâm, nâng đỡ nhau chính là môi trường tốt nhất để trẻ lớn lên với cảm xúc ổn định, tính cách lành mạnh, có xu hướng đối xử với người khác theo cách tốt đẹp mà mình được đối xử.

Môi trường giáo dục:

Thông qua giáo dục và mối quan hệ với thầy cô, bạn bè trên trường lớp, trẻ không chỉ được bồi dưỡng về kiến thức, trí tuệ mà còn có môi trường thực tế để trẻ tự sửa mình và tu dưỡng những tính cách tốt đẹp như yêu thầy mến bạn, kỷ luật, trách nhiệm, hòa nhã, lịch thiệp,...

Môi trường sống:

Bao gồm cả hoàn cảnh tự nhiên (địa lý, đất, nước, đồ ăn) và hoàn cảnh xã hội (cộng đồng cư dân xung quanh) có thể tác động tới tình cảm, suy nghĩ và hành vi của trẻ. Sống trong một môi trường trong lành, không ô nhiễm; được tiếp xúc với những người thân thiện, hòa nhã, hiểu biết sẽ khiến trẻ hình thành tính cách vui vẻ, lạc quan, tích cực. Tiếp xúc, giao tiếp với mọi người xung quanh.

Năng lực học hỏi, trau dồi của bản thân:

Yếu tố này sẽ giải thích vì sao có những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình bất hòa, không được thụ hưởng giáo dục hoàn chỉnh nhưng vẫn không tiêu cực, thù hận mà vẫn thông minh, tử tế và luôn nỗ lực hoàn thiện bản thân. Đó là nhờ năng lực học hỏi, kiểm soát bản thân mạnh mẽ của một con người giúp họ không đổ lỗi cho hoàn cảnh, không sa đà vào những thói hư tật xấu mà không ngừng phấn đấu hướng đến những điều tốt đẹp.

Luôn có một số nét tính cách được xã hội công nhận nhiều hơn như hoạt bát, vui tươi, hòa đồng nên khi con mình có nhút nhát, ngại giao tiếp hay lạnh lùng, nhiều cha mẹ cố ép buộc con phải thay đổi khiến tính cách trẻ dần phát triển theo hướng tiêu cực, hoặc hoài nghi bản thân hoặc nổi loạn, chống đối. Chúng ta cần luôn nhắc nhở chính mình rằng, một đứa trẻ được lớn lên trong yêu thương, tôn trọng và cổ vũ, dù hướng nội hay hướng ngoại thì vẫn là những người tử tế, trách nhiệm, tự tin hòa nhập xã hội và tạo dựng được cuộc sống hạnh phúc cho riêng mình.

Đọc tiếp

Tags

Tin liên quan

Lên đầu trang