Vì sao trẻ hay nhõng nhẽo khi ở cạnh mẹ

01/06/2022 977

Với các em bé còn nhỏ, bất kỳ tình huống xã hội nào liên quan đến người lạ, dù đó là ông bà, họ hàng, bạn bè hay cô giáo đều khiến trẻ cảm thấy không thoải mái. Nhưng vì không tin tưởng, không cho đó là người mình thân thiết nhất nên trẻ sẽ giữ mọi bức xúc của mình ở trong lòng.

"Sao con đang chơi vui mà thấy mẹ lại khóc luôn vậy?" có lẽ đây là câu hỏi kinh điển mà bà mẹ nào trong lúc bất lực, mệt mỏi cũng phải thốt ra đôi lần. Rõ ràng là con đang chơi rất ngoan với ông bà, bố, anh chị em hoặc bạn bè. Song, cứ thấy mẹ là y như rằng sẽ lao vào đeo bám. Đeo bám không được thì lăn ra ăn vạ, khóc lóc, ỉ ôi. Điều này khiến các mẹ nhiều lúc cảm thấy kiệt sức và cảm thấy mình là một bà mẹ tồi.

Nhưng mà các mẹ ơi, trong tình huống này con không hẳn là nhõng nhẽo đâu. Thực tế, trong những năm đầu đời não trẻ đang phải làm quen với việc chuyển sang một giai đoạn mới đó là độc lập và tự điều chỉnh hành vi. Điều này có nghĩa rằng: trẻ có thể độc lập và chơi mà không cần mẹ, tuy nhiên, một phần của não bộ vẫn lưu giữ những hình ảnh của mẹ gần gũi với bé. Nên khi gặp được mẹ bé mới bộc lộ cảm xúc như vậy đấy. Trong mắt của bé, mẹ là nơi an toàn nhất. Vì thế, chỉ có bên cạnh mẹ con mới không ngại bộc lộ cảm xúc của mình.

Với các em bé còn nhỏ, bất kỳ tình huống xã hội nào liên quan đến người lạ, dù đó là ông bà, họ hàng, bạn bè hay cô giáo đều khiến trẻ cảm thấy không thoải mái. Nhưng vì không tin tưởng, không cho đó là người mình thân thiết nhất nên trẻ sẽ giữ mọi bức xúc của mình ở trong lòng. Con sẽ dè dặt, sống khép kín hơn và học được cách cư xử đúng mực với "người lạ". Song, khi về đến nhà, khi gặp được mẹ, mọi cảm xúc sẽ vỡ òa và mẹ trở thành nơi cho con "trút giận". Tuy nhiên, vì bộ não chưa phát triển hoàn thiện, con chưa biết thể hiện được sự khó chịu của mình, chỉ biết nhõng nhẽo, ỉ ôi đòi mẹ nên đôi lúc khiến mẹ hiểu lầm là "Con hư quá!".

Cũng giống như người lớn, trẻ em không thích thể hiện điểm xấu của mình trước mặt người lạ. Con chỉ có thể thể hiện cảm xúc thật nhất của mình khi ở bên cạnh người con thân thiết, yêu quý nhất. Do đó, nếu mẹ thấy con nhõng nhẹo mè nheo, thay vì đi tìm nguyên nhân tại sao con cư xử như thế, thì bạn hãy nhớ rằng con đang khó chịu và con chưa biết cách để làm sao cho mẹ biết, việc của chúng ta là dạy con cách xử lý tình huống này nhé.

Bố mẹ hãy nhớ đừng bế con hay cưng nựng con luôn, cũng không nên quát mắng con, thay vào đó bố mẹ có thể bình tĩnh tiếp tục nói chuyện với bé. Nếu bé đang chơi thì ta gợi bé vào trò chơi, bố mẹ hãy cố “câu giờ” thêm 6-10 phút, trong thời gian này bố mẹ kiên nhẫn ngồi cạnh con nhưng không nên bế bé như bé khóc yêu cầu. Sau 10 phút, bạn ôm bé , nói chuyện với bé và có thể bế bé đi tắm hoặc làm gì bé thích.

Lúc này bố mẹ có thể hỏi và vỗ về cảm xúc của con như: tại sao con khóc thế, con nhớ mẹ đúng không, mẹ cũng nhớ con lắm, mẹ yêu con…. Tại sao phải 6-10 phút? Đây là cách chúng ta áp dụng một khoảng chờ, để con có thể học cách tự điều chỉnh cảm xúc của mình, bố mẹ có thể làm mẫu cho con những lần đầu, sau này con sẽ dần dần học được cách điều chỉnh cảm xúc của mình mỗi lần không nhìn thấy bố mẹ nữa.

Đọc tiếp

Tags

Tin liên quan

Lên đầu trang