Trẻ lười vận động bố mẹ nên làm gì

01/06/2022 140

Vận động giúp kích thích sản sinh và giải phóng hooc môn dopamine, oxytocin, serotonin, endophins tạo ra cảm giác hạnh phúc, yêu đời và những trải nghiệm vui vẻ.

Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia lười vận động nhất trên thế giới;

30% trẻ em dành trung bình 3 tiếng mỗi ngày để ngồi yên một chỗ và dùng các thiết bị điện tử;

90 phút là thời lượng dành cho bộ môn giáo dục thể chất trong tổng số 1125 phút học mỗi tuần ở trường, như vậy môn thể dục chỉ chiếm vỏn vẹn 8% tổng thời gian học.

Những con số biết nói trên cho thấy “lười vận động” đang là một vấn đề nhức nhối trong giáo dục trẻ ở cả gia đình, nhà trường và xã hội. Chúng ta đều biết, con người được sinh ra là để vận động. Vận động giúp cơ bắp săn chắc, hệ miễn dịch được tăng cường, cơ thể khỏe mạnh, ít bệnh tật.

Vận động giúp kích thích sản sinh và giải phóng hooc môn dopamine, oxytocin, serotonin, endophins tạo ra cảm giác hạnh phúc, yêu đời và những trải nghiệm vui vẻ. Vận động còn kích thích não bộ phát triển khi đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều giác quan để thực hiện một hành động thống nhất, hình thành nhận thức về sự vật, sự việc.

Vận động cũng là cách học tốt nhất qua những trải nghiệm và tương tác thực tế để thu được những kiến thức bổ ích và những kỹ năng sống quan trọng. Nói như vậy, “lười vận động” sẽ tước đi rất nhiều cơ hội học hỏi và phát triển của trẻ em. Trẻ “lười vận động” không chỉ sức khỏe kém, dễ mắc các bệnh béo phì, tiểu đường,... mà còn dễ gặp các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu; từ đó ảnh hưởng lớn đến khả năng ghi nhớ, giao tiếp, học tập sau này.

Trẻ em vốn rất hiếu động và ưa chạy nhảy, tò mò khám phá mọi thứ. Nhưng tại sao ngày nay, càng ngày càng có nhiều bạn nhỏ thích ngồi một chỗ, lười vận động và đánh mất hứng thú khám phá cuộc sống?

Đầu tiên là sự thống trị của các thiết bị điện tử đã khiến nhiều trẻ em bị “nghiện”. Trẻ lười vận động, lười giao tiếp, lười kết nối mà chỉ thích ngồi một mình một chỗ để dán mắt vào màn hình điện thoại. Những công viên xanh, khu vui chơi cho trẻ em cũng dần ít đi khiến trẻ không có không gian để chạy nhảy, chơi đùa.

Điều thứ hai là ảnh hưởng từ môi trường sống. Khi bố mẹ không có nhiều thời gian để quan tâm, trò chuyện và chơi với con; khi chính người lớn cũng dành hầu hết thời gian rảnh để nghịch điện thoại; khi nhiều gia đình dùng smartphone để dỗ dành con ngồi yên một chỗ không làm ồn, không phá tung đồ đạc thì trẻ “lười vận động” là hậu quả tất yếu.

Thứ ba là trẻ em ngày nay phải học quá nhiều, hết học chính lại đến các lớp học thêm buổi tối rồi cả cuối tuần. Vì thế mà quỹ thời gian để trẻ được thư giãn, vận động trở nên vô cùng eo hẹp.

Muốn con vận động nhiều hơn, trước tiên bố mẹ phải hiểu rõ vận động là nhiệm vụ quan trọng nhất vì qua vận động, trẻ được phát triển toàn diện về cả thể chất, trí tuệ và cảm xúc.

Nhà mình có quy định khi đi làm về đến nhà là không dùng điện thoại mà khoảng thời gian ít ỏi buổi tối đó phải dành trọn vẹn cho con.

Mình thường khuyến khích con cùng chuẩn bị cơm tối, trò chuyện để hai mẹ con gần gũi hơn.

Buổi tối sau khi ăn uống, dọn dẹp xong thì nhà mình thường đi dạo cùng nhau, vừa giúp con vận động vừa tăng sự gắn kết trong gia đình.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần quan tâm đến sở thích và năng khiếu của con, xem con phù hợp với hoạt động thể chất nào thì khuyến khích con tham gia.

Với những trẻ đã nghiện thiết bị điện tử và lười vận động thì để con thay đổi ngay là không thể. Bố mẹ phải thật kiên nhẫn làm gương cho con, phải bình tĩnh và không được nản khi con không muốn ra ngoài, không muốn tập thể dục, thậm chí là không muốn nói chuyện với mọi người trong gia đình.

Lúc này, chỉ có nhẹ nhàng động viên, tạo ra những hoạt động thú vị như đọc sách, chơi các trò chơi tương tác mới có thể khiến trẻ dần hứng thú và yêu thích vận động hơn.

Đọc tiếp

Tags

Tin liên quan

Lên đầu trang