Trẻ học được gì từ những trò chơi dân gian
Chơi trò chơi dân gian không chỉ đơn thuần là thú tiêu khiển của trẻ em mà còn rèn luyện cho trẻ khỏe mạnh về thể chất, về sự phán đoán, óc tư duy sáng tạo và đặc biệt là rèn cho trẻ sớm có tính tự lập, chủ động, biết yêu thương con người, yêu thương thiên nhiên và cuộc sống quanh mình từ đó hình thành tốt kỹ năng sống và giá trị sống để vận dụng vào thực tiễn hàng ngày.
Hiện nay trẻ em hầu như được tiếp cận với tivi, Internet nên đa số dành nhiều thời gian vào xem phim ảnh hoặc chơi game dẫn đến nhiều hệ lụy xấu sau này. Không chỉ trẻ em ở thành phố mà ngay cả trẻ em vùng nông thôn giờ đây cũng có điều kiện tiếp cận “công nghệ” trong nhu cầu giải trí của mình.
Chính vì thế mà những trò chơi vận động, trò chơi dân gian phát triển thể lực, tính khéo léo, tình đoàn kết gắn bó, tương trợ nhau dần dần bị vắng bóng khiến việc phát triển thể chất lẫn tâm hồn các em ngày càng hạn chế.
Chắc có lẽ phần lớn những người trong độ tuổi trưởng thành, làm bố làm mẹ bây giờ đều từng trải qua một quãng đời tuổi thơ với rất nhiều trò chơi dân gian vui vẻ, trong trẻo. Nào là trò chơi năm mười trốn tìm, bịt mắt bắt dê, đánh trận giả, kéo co, nhảy dây, đá cỏ gà, ô ăn quan, bắn bi, banh đũa, chơi chuyền,…Đặc biệt các trò chơi dân gian rất dễ tổ chức, không cầu kỳ, tốn kém nên có thể dễ dàng chơi mọi lúc, mọi nơi, đồ vật phục vụ cho trò chơi rất dễ tìm, dễ làm, chủ yếu lấy từ trong tự nhiên, thậm chí chỉ là cái dây, hòn sỏi, que tre, viên phấn…
Khi nhắc đến những trò này thì như cả khoảng trời tuổi thơ tràn về với mỗi người, còn với trẻ con bây giờ thì tương đối xa lạ.Chơi trò chơi dân gian không chỉ đơn thuần là thú tiêu khiển của trẻ em mà còn rèn luyện cho trẻ khỏe mạnh về thể chất, về sự phán đoán, óc tư duy sáng tạo và đặc biệt là rèn cho trẻ sớm có tính tự lập, chủ động, biết yêu thương con người, yêu thương thiên nhiên và cuộc sống quanh mình từ đó hình thành tốt kỹ năng sống và giá trị sống để vận dụng vào thực tiễn hàng ngày.
Vậy tại sao chúng ta không dạy lại cho con mình những trò chơi này để cả nhà cùng có những giờ phút vui vẻ, gắn kết bên nhau nhỉ?
Ở nhà mình vì con cũng còn hơi bé chưa chơi được những trò như kéo co, nhảy dây nên mình dạy con chơi kéo cưa lừa xẻ, chi chi chành chành, nu na nu nống, bắc kim thang, lộn cầu vồng. Những em bé bi bô tập nói, tập đi rất hợp với các trò chơi này, chỉ cần 2 mẹ con với nhau thôi cũng đủ vui rồi (tất nhiên là có thêm ông bà, bố nữa thì càng vui).
Con vừa được gần gũi bố mẹ mà lại còn có thể học nói qua những câu vè trong trò chơi nữa. Mẹ nào có con chậm nói, chậm đi nhớ dạy con mấy trò này nhé. Các mẹ sẽ phải bất ngờ vì sự thay đổi tích cực của con đó.
Mong rằng tất cả các em bé đều được lớn lên trong tình yêu thương dạt dào của cả gia đình và tâm hồn vẫn được tắm mát những giá trị cội nguồn. Chúng ta hãy cùng nhau cho các con biết tuổi thơ của bố mẹ, ông bà trước khi có internet đã từng vui vẻ thế nào nhé.
Đọc tiếp
Tin liên quan
Sản phẩm mới