Những giới hạn khi cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử

01/06/2022 213

Có lẽ chúng ta đã không phải hỏi nhau là nên hay không nên cho trẻ dùng thiết bị điện tử nữa mà điều cần quan tâm là khi nào thì nên cho trẻ dùng và dùng trong thời lượng bao lâu là hợp lý.

Có lẽ chúng ta đã không phải hỏi nhau là nên hay không nên cho trẻ dùng thiết bị điện tử nữa mà điều cần quan tâm là khi nào thì nên cho trẻ dùng và dùng trong thời lượng bao lâu là hợp lý. Bởi khi thiết bị điện tử đã phổ biến đến mọi ngóc ngách của cuộc sống, trẻ nhìn thấy, nghe thấy hàng ngày, chính bố mẹ cũng sử dụng rất thường xuyên thì việc cấm đoán con cái là điều không khả thi, đôi khi còn dẫn đến những phản ứng tiêu cực.

Chúng ta chỉ có thể hướng dẫn, đồng hành cùng con trong quá trình này để những đứa trẻ biết sử dụng thiết bị điện tử một cách thông minh, vừa đủ, không sa đà thành nghiện.

Trong hướng dẫn mới nhất, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo rằng trẻ dưới 18 tháng tuổi không nên tiếp xúc với màn hình thiết bị điện tử dù chỉ một chút. Trẻ từ 18-24 tháng tuổi có thể bắt đầu xem những chương trình chất lượng cao đã được kiểm duyệt dành cho thiếu nhi, nhưng không nên quá 30 phút một ngày. Trẻ từ 2-5 tuổi có thể dùng thiết bị điện tử nhưng nên xem chung và tương tác với người khác chứ không phải ngồi yên một chỗ. Thời lượng giới hạn là không quá 1 giờ/ ngày.

Như vậy, nếu tuân theo quy tắc về độ tuổi, thời lượng, nội dung và cách thức sử dụng thì thiết bị điện tử sẽ đem lại nhiều điều bổ ích, giúp trẻ giải trí và học được nhiều điều thú vị. Ngược lại, nếu trẻ dùng quá sớm, mất kiểm soát thời gian và nội dung thì sẽ gây hại đến cả sức khỏe thể chất (dễ bị cận thị, béo phì, rối loạn ngôn ngữ, tăng động giảm chú ý, sa sút trí tuệ) lẫn tinh thần (hay căng thẳng, cáu kỉnh, rối loạn cảm xúc,...)

Vậy, cha mẹ có thể kiểm soát cách con trẻ dùng thiết bị điện tử ra sao để vừa hiệu quả vừa không khiến con cảm thấy bị ngăn cấm?

Đừng nói “Không” mà hãy nói “Con sẽ được dùng sau một thời gian nữa”:

Hãy giải thích cho con hiểu đến một độ tuổi nhất định, con sẽ được dùng máy tính, điện thoại nhưng không phải bây giờ. Trẻ em dưới 6 tuổi nên cực kỳ hạn chế dùng thiết bị điện tử được càng lâu càng tốt, và cách nói này sẽ khiến trẻ dễ dàng chấp nhận hơn.

Giao hẹn trước với con về thời điểm sẽ tắt thiết bị điện tử:

Nói theo cách mà trẻ có thể hiểu được, ví dụ “Xem hết video này thì tắt nhé”, “Khi nào màn hình đen và nhạc nhỏ thì không xem nữa nhé”, “Khi nào đồng hồ kêu thì con tự tắt điện thoại nhé, ngày mai chúng ta lại xem”. Giao hẹn trước sẽ khiến trẻ cảm thấy được tôn trọng và ít vòi vĩnh, mè nheo hơn.

Nhất quán với các quy tắc đã đặt ra:

Nếu bạn đã nói cho con xem 15 phút, xem đến khi đồng hồ kêu; nếu bạn đã đặt ra quy định con xem điện thoại vào buổi chiều sau khi ngủ dậy thì dù con có vòi vĩnh đòi xem buổi sáng, có khóc lóc không chịu ăn đòi xem thêm thì cũng không thể thỏa hiệp. Hãy nhẹ nhàng mà cương quyết nói cho con biết cần tuân thủ quy tắc vì nếu bạn thỏa hiệp một lần, lần sau trẻ sẽ càng đòi hỏi nhiều hơn.

Khuyến khích con tham gia các hoạt động thể chất, vui chơi ngoài trời:

Trẻ nhỏ thường rất ham vui, ham học hỏi, khám phá nên nếu được vui chơi, gặp gỡ bạn bè, tham gia các hoạt động thể chất thì trẻ sẽ nhanh chóng quên đi và không đòi dùng điện thoại nữa. Những hoạt động này lại là cơ hội để trẻ phát triển đa giác quan, phát triển khả năng ngôn ngữ, kết nối và tương tác với mọi người, từ đó phát triển lành mạnh.

Bản thân các thiết bị điện tử không hề xấu và chúng được phát minh để làm cuộc sống của con người tốt đẹp hơn. Nhưng chính cách chúng ta sử dụng và hướng dẫn thế hệ trẻ sử dụng thiết bị điện tử ra sao, chọn xem cái gì, thời gian bao lâu, tương tác thế nào sẽ quyết định kết quả thu được là lợi hay là hại.

Bố mẹ hãy kiên trì giảng giải cho con về các giới hạn và quy tắc cần tuân thủ khi dùng thiết bị điện tử để con vừa học được cách làm chủ công nghệ vừa có một tuổi thơ tươi đẹp, phát triển toàn diện nhé!

Đọc tiếp

Tags

Tin liên quan

Lên đầu trang