Học cách lắng nghe con có khó không?
Hãy luôn tự hỏi rằng: Bản thân đang thực sự dành thời gian của mình cho điều gì, khi mà con yêu không thể ngừng trưởng thành để chờ đợi sự quan tâm, chăm sóc từ cha mẹ?
Mục lục
Những câu nói ngây ngô này hẳn rất quen thuộc với bố mẹ:
- Sao mẹ cứ bắt con phải nhường em?
- Con mệt quá, con không muốn học đâu!
- Bố mẹ suốt ngày kêu bận, bận, bận
- Mẹ lại nói dối! Mẹ bảo mua cho con ô tô cơ mà!
Đôi khi trẻ nói ra chỉ để được bố mẹ lắng nghe, chia sẻ, giải thích và thấu hiểu nhưng dường như mong đợi đó lại bị người lớn vô tình bỏ qua. Thực tế, một trong những kỹ năng quan trọng nhất trên hành trình làm cha mẹ, đó là kỹ năng lắng nghe con cái. Mỗi độ tuổi khác nhau, bố mẹ sẽ cần chọn cách “nghe sao cho trẻ chịu nói” cũng như dạy trẻ đúng cách đa dạng, khác nhau.
Vì sao trẻ cần được lắng nghe?
- Trẻ chưa có đủ trải nghiệm để giải quyết những vấn đề của bản thân. Trò chuyện với bố mẹ là cách nhanh nhất, đáng tin cậy nhất để trẻ tìm ra lời giải.
- Thế giới nội tâm của trẻ giống như một cuốn sách, cha mẹ cần đọc cả tấm lòng mới có thể hiểu hết ý tứ của trẻ. Chính vì thế, hiểu con là công cụ hữu hiệu nhất để cha mẹ nắm bắt được những khó khăn, từ đó giúp đỡ con vượt qua trở ngại trong hành trình giáo dục trẻ em mỗi giai đoạn phát triển.
- Lắng nghe con kịp thời cũng giúp tránh những tình huống “chuyện đã rồi” như con bị bắt nạt, con bị stress do học hành, con bị cô lập trong nhóm bạn,.... Mọi vấn đề tâm lý đều có thể được tháo gỡ khi bố mẹ lắng nghe và cùng con giải quyết.
Tuy nhiên, không phải bố mẹ nào cũng dễ dàng kết nối và trò chuyện với con. Không ít bố mẹ gặp phải những rào cản khiến việc dành thời gian tâm sự với con trở nên khó khăn:
- Bố mẹ quá bận đi làm, kiếm tiền trang trải cuộc sống, việc chăm sóc con đành nhờ cậy ông bà, cô giáo giữ trẻ,... Giờ bố mẹ đi làm, con chưa thức giấc, giờ bố mẹ về thì con đã ngủ.
- Bố mẹ chưa từng được lắng nghe khi còn nhỏ, môi trường gia đình nghiêm khắc, áp đặt thời xưa khiến việc “thực tập” làm bạn của con trở nên khó khăn, gượng gạo.
- Bố mẹ luôn nghĩ rằng “mình làm điều tốt nhất cho con”, đứa trẻ nào cũng sẽ khó chịu và chống đối, nhưng sau này, khi lớn rồi, thành công rồi, con sẽ hiểu ra thôi.
- Một số người lớn không có đủ sự khiêm nhường, rộng lượng và bao dung nên "nghe kém" khi giao tiếp với con trẻ - người vốn "thấp" hơn họ, "dở" hơn họ, thiếu kinh nghiệm sống hơn họ và phụ thuộc họ nhiều mặt. Chính cái tôi cá nhân quá lớn đó khiến cho cha mẹ không sẵn lòng đón nhận những suy nghĩ, ý kiến khác biệt của con.
Có hàng tá lý do khiến bố mẹ không thể lắng nghe con nhưng mình tin rằng, nếu YÊU CON đủ nhiều, bố mẹ sẽ sắp xếp được thời gian, sẽ hạ được “cái tôi” của mình xuống để làm bạn với con trong hành trình dạy con đúng cách.
Hãy luôn tự hỏi rằng: Bản thân đang thực sự dành thời gian của mình cho điều gì, khi mà con yêu không thể ngừng trưởng thành để chờ đợi sự quan tâm, chăm sóc từ cha mẹ?
Đọc tiếp
Tin liên quan
Sản phẩm mới
Tin đọc nhiều