Giúp con nhận biết các tình huống nguy hiểm

30/05/2022 173

Thế giới vốn không an toàn như chúng ta nghĩ, đặc biệt với những đứa trẻ non nớt về cả thể lực, kiến thức. Con có thể dễ dàng bị té ngã; bị bỏng, bị tai nạn với đồ sắc nhọn, thiết bị điện hay đi lạc, bị kẻ xấu bắt cóc hay gặp nguy hiểm khi tham gia giao thông,..

Bố mẹ có đang:

Ngăn cản con chạy nhảy và khám phá vì sợ con gặp nguy hiểm?

Ít cho con tiếp xúc với nắng, mưa, thậm chí là gió trời, chẳng bao giờ cho con đi chân đất vì sợ con ốm?

Con chưa ngã đã đỡ, chưa va đập đã ngăn cản, con tò mò với vật nóng, vật sắc nhọn như dao, kéo thì cất hết đi?

Làm thay mọi thứ, không để con phải động tay, động chân vào bất kỳ việc gì?

Thế nhưng, liệu chúng ta có thể bao bọc và bảo vệ con suốt đời? Và những đứa trẻ liệu có an toàn và hạnh phúc khi không thể tự chăm lo cho bản thân, khi không có khả năng nhận biết và xử lý những tình huống nguy hiểm? Câu trả lời là không.

Thế giới vốn không an toàn như chúng ta nghĩ, đặc biệt với những đứa trẻ non nớt về cả thể lực, kiến thức. Con có thể dễ dàng bị té ngã; bị bỏng, bị tai nạn với đồ sắc nhọn, thiết bị điện hay đi lạc, bị kẻ xấu bắt cóc hay gặp nguy hiểm khi tham gia giao thông,... Đó là những mối nguy thường thấy nhất mà trẻ cần được cha mẹ hướng dẫn để tự bảo vệ bản thân. Bố mẹ có thể dạy kỹ năng sống cho con bằng những việc đơn giản như sau:

- Ngay trong cuộc sống hàng ngày, hãy chỉ cho con những nguy hiểm có thể đến từ cầu thang, thang máy, nhà bếp, phòng tắm, ổ điện, nồi canh nóng,... Hãy cho trẻ tự cảm nhận bằng tay về nóng, lạnh; được trải nghiệm ngã đau là thế nào thì lần sau trẻ sẽ cẩn thận hơn. Cũng cần hướng dẫn trẻ sử dụng các thiết bị điện, đồ dùng nhà bếp,... sao cho an toàn.

- Cho trẻ ra ngoài tiếp xúc với thế giới càng nhiều càng tốt vì đó là môi trường tốt nhất để học hỏi. Cho trẻ đi công viên, siêu thị, đi dã ngoại, khám phá thiên nhiên và dạy trẻ về phương hướng, ghi nhớ đường về nhà, nhận biết các nguy cơ và cách ứng xử phù hợp ở nơi công cộng.

- Xây dựng tình huống giả định, cho trẻ nhập vai để biết cách xử lý khi bị thương mà bố mẹ không có nhà, khi người lạ gõ cửa, khi đi lạc thì nên làm gì, khi tham gia giao thông thì đi bên nào, chú ý quan sát ra sao, khi cảm giác nguy hiểm thì nên báo cho ai? Việc nhập vai như vậy sẽ giúp trẻ hình thành phản xạ và kỹ năng đối phó trong thực tế.

- Học qua sách truyện: Có rất nhiều sách về kỹ năng tự lập, tự bảo vệ bản thân rất bổ ích cho trẻ. Với lợi thế tranh minh họa trực quan, sinh động, đây là công cụ hữu hiệu để bố mẹ hướng dẫn con nhận biết các mối nguy hiểm xung quanh và cách để tự bảo vệ bản thân.

Cha mẹ không thể ở bên con mãi mãi. Con cũng cần sống cuộc đời độc lập của riêng mình. Vậy nên, hãy là người bạn đồng hành, hãy trang bị những kỹ năng cần thiết để con có đủ năng lực tự vượt qua những khó khăn, nguy hiểm của cuộc sống bố mẹ nhé.

Đọc tiếp

Tags

Tin liên quan

Lên đầu trang