Đừng chủ quan khi trẻ sợ bóng tối

28/05/2022 678

Từ khoảng 2 tuổi đến 8-9 tuổi, trẻ thường có những nỗi sợ phổ biến (thường là về đêm, trước giờ đi ngủ) như sợ bóng tối, quái vật dưới gầm giường và sợ ngủ một mình. Khi nghe con khóc lóc, nói rằng con sợ ma, con sợ ông ba bị,…

Nỗi sợ bóng tối vì đâu mà có và dấu hiệu nhận biết

 

Từ khoảng 2 tuổi đến 8-9 tuổi, trẻ thường có những nỗi sợ phổ biến (thường là về đêm, trước giờ đi ngủ) như sợ bóng tối, quái vật dưới gầm giường và sợ ngủ một mình. Khi nghe con khóc lóc, nói rằng con sợ ma, con sợ ông ba bị,… bố mẹ thường có thói quen gạt đi hoặc trả lời qua loa với con như: Làm gì có ông ba bị, đi ngủ thôi con!, Con nhát gan thế!, Hết giờ chơi rồi, không có con quái vật nào hết, ngủ thôi! Tuy nhiên, việc không được bố mẹ cảm thông và giải tỏa những nỗi sợ như vậy, rất có thể trẻ sẽ bị ảnh hưởng đến giấc ngủ, sự phát triển trí tuệ và gây tâm lý bất an thường trực. Một số trẻ bị những ám ảnh nỗi sợ bóng tối đến khi lớn hoặc có những biển hiện sang trấn tâm lý nếu bố mẹ không kịp thời can thiệp, hỗ trợ.

1/ Nỗi sợ bóng tối – một phần của sự phát triển nhận thức

Từ 2 tuổi, khả năng tưởng tượng của trẻ bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Những thông tin trẻ tiếp nhận được vào ban ngày như: nghe người lớn dọa về một nhân vật đáng sợ (ma, ông ba bị, ông kẹ,…), vô tình xem những hình ảnh gây ám ảnh trên màn hình tivi, điện thoại (cảnh bạo lực, nhân vật xấu xa,…) hoặc tiếp xúc với những đồ chơi gây cảm xúc mạnh như quái vật, súng,.. sẽ theo trẻ vào giấc ngủ ban đêm. Sau một ngày hoạt động, tiếp nhận quá nhiều thông tin, buổi tối là khoảng thời gian lắng lại, trẻ dễ tưởng tượng và nhắc nhớ những nhân vật đó.

Tuy nhiên, ở độ tuổi này, trẻ lại chưa biết cách phân biệt giữa tưởng tượng và thực tế, vì vậy một phòng ngủ tối om khiến hình ảnh tưởng tượng một sinh vật vô hình dưới gầm giường trở nên khá chân thực với trẻ.

2/ Những dấu hiệu cần lưu ý khi trẻ sợ bóng tối

Một số trường hợp, nỗi sợ vượt ra ngoài sự phát bình thường, trở thành nỗi lo lắng, ám ảnh dai dẳng về đêm. Trẻ mắc chứng sợ bóng tối có các dấu hiệu như:

- Thở gấp, tim đập nhanh.

- Run rẩy, hay lo sợ.

- Đau ngực, thường xuyên cảm thấy ngạt thở.

- La khóc không rõ lý do.

- Khó ăn, kén ăn hoặc ăn quá nhiều.

- Từ chối hoặc trốn tránh những công việc buộc trẻ phải bước vào những không gian tối tăm hoặc thiếu ánh sáng.

- Không dám ngủ một mình, không chịu ra ngoài đường khi trời tối.

- Thích thức khuya, ngủ không ngon giấc.

- Từ chối hoặc trốn tránh những công việc buộc trẻ phải bước vào những không gian tối tăm hoặc thiếu ánh sáng.

Nỗi sợ bóng tối thường chuyển biến từ những hoài nghi, lo lắng sang sợ hãi, ám ảnh. Vì vậy, bố mẹ cần quan sát và đồng hành cùng con, giúp con đối diện và giảm bớt những nỗi sợ không có thật này nhé. Mặc dù trẻ cần thời gian để lớn lên và phân biệt được nguy hiểm trong tưởng tượng và nguy hiểm thực tế, nhưng có rất nhiều cách để bố mẹ giúp con làm quen với bóng tối và dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.

6 cách giúp trẻ vượt qua nỗi sợ bóng tối

1/ Tạo không khí vui vẻ cho trẻ trước giờ đi ngủ. Tuyệt đối tránh để trẻ xem tivi, màn hình trước giờ ngủ 1-2 tiếng, vì việc xem thiết bị điện tử dễ gây mỏi mắt, khó ngủ, hình ảnh xem được dễ gây ám ảnh và đi vào giấc mơ của trẻ.

2/ Thiết lập nhịp điệu buổi tối một cách thật bình yên, vdu tắm nước ấm, trò chuyện với con, hát ru hoặc bài hát chúc ngủ ngon, đọc những cuốn truyện nhỏ mà con yêu thích. Những cuốn truyện cổ tích hay sách chiếu bóng là gợi ý hay cho thời gian đọc sách trước giờ đi ngủ.

3/ Một số trẻ cảm thấy yên tâm hơn khi ngủ với một món đồ chơi hoặc chiếc chăn thân thuộc.

4/ Chọn đèn ngủ với độ sáng hợp lý và không đặt quá gần trẻ.

5/ Khuyến khích trẻ vẽ tranh/ diễn kịch về nhân vật khiến con sợ mỗi khi đi ngủ. Việc nói về điều đó một cách thoải mái có thể giúp trẻ cảm thấy an toàn hơn. (VD: Bố mẹ giúp con biến quái vật trong gầm giường thành một kẻ ngốc nếu khi thêm cái mũi, chiếc đuôi hay miệng cười. Điều này giúp cảm giác của con về nhân vật đó nhẹ nhàng và hài hước hơn).

6/ Và đừng lo lắng về việc con muốn ngủ cùng với bạn một thời gian, cho đến khi nỗi sợ về đêm của trẻ giảm dần và trẻ bắt đầu một thử thách phát triển khác. Miễn sao cả nhà đều vui vẻ và được ngủ ngon.

 

Đọc tiếp

Tags

Tin liên quan

Lên đầu trang