Dạy trẻ kỹ năng an toàn khi tiếp xúc với người lạ
Dạy trẻ cách ứng phó trong các tình huống gặp người là kỹ năng quan trong mà ba mẹ nào cũng nên trang bị cho con từ sớm.
Xã hội hiện đại ngày càng xuất hiện không ít kẻ xấu tiếp cận trẻ em, ba mẹ không thể bảo vệ con bằng cách ở bên con 24/24 hay không bao giờ đưa con ra ngoài mà cần dạy con những kiến thức cần thiết để tự bảo vệ mình. Một trong số những kỹ năng an toàn cần dạy trẻ là ứng phó với người lạ.
Người lạ tiếp cận cho quà bánh: Ba mẹ dạy con khi người lạ mặt nào đó cho những món quà, bánh, kẹo thì không nhận để tránh việc mắc mưu kẻ xấu. Con có thể từ chối khéo “Ba mẹ con không cho phép nhận”, sau đó nhanh chóng tìm đến nơi có người lớn hoặc chú bảo vệ, công an để được an toàn. Nếu người đó cứ bám theo dụ dỗ ép con ăn hay bắt lên xe phải giãy đạp và hét thật to để mọi người nghe thấy.
Người lạ đến nhà khi ba mẹ đi vắng: Dạy con không được mở cửa, lịch sự trả lời khách là “Ba mẹ con đi vắng, cô/chú có thể liên lạc với ba mẹ hoặc tới nhà khi ba mẹ con về ạ” rồi về phòng riêng.
Ai đó nhận là bạn của ba mẹ đến trường đón con: Ba mẹ dạy con không được tin họ, kể cả người đó biết cả tên ba mẹ và con. Nếu con nhận ra họ là hàng xóm, người quen thì cần quay vào báo cô giáo và nhờ gọi điện cho ba mẹ để xác minh.
Khi bị lạc ở trung tâm thương mại, khu vui chơi, công viên: Dạy trẻ kỹ năng an toàn trong tình huống này đó là không được nghe theo lời người lạ dù họ nói sẽ giúp tìm ba mẹ; điều con cần làm là phải bình tĩnh, không khóc lóc, chạy lung tung để tìm ba mẹ mà đứng yên tại chỗ để chờ ba mẹ quay lại. Một lúc lâu không thấy ba mẹ, con đến nói với các chú bảo vệ, nhân viên bán hàng, quầy thu ngân, lễ tân nhờ thông báo lên loa hoặc gọi điện cho ba mẹ. Trường hợp bị lạc ở ngoài đường, con có thể mượn điện thoại của một người đi đường để gọi điện ba mẹ đến đón (ba mẹ đừng quên cho trẻ học thuộc hoặc ghi vào thẻ áo, đồng hồ thông minh trên người con số điện thoại của ba/mẹ cũng như địa chỉ nhà nhé).
Nếu đi trên đường có người lạ rủ rê: Dạy con tuyệt đối không đi theo người lạ mặt. Nếu họ đi theo, hãy chạy đến hỏi đường chú công an, bác bảo vệ hoặc chạy lại phía các bà, các cô bên đường. Kẻ gian (nếu có) sẽ nghĩ đó là người thân của con nên bỏ đi.
Khi bị kẻ gian bắt giữ: Ba mẹ dạy trẻ kỹ năng an toàn bằng cách hãy hô thật to “bắt cóc”, “cháy nhà”, “cướp, cướp” hoặc gây tiếng ồn lớn, đập mạnh vào vật gì đó, ném đồ vật như cặp, sách vở sẽ khiến người xung quanh tập trung chú ý và chạy ra để xem. Kẻ gian sẽ giật mình, bối rối, hoảng sợ bỏ bé ra. Có thể dạy con dùng thể lực để tấn công vào các vị trí bất lợi của đối phương như ngực, cằm, hạ bộ với các hành động như cắn, đá, con sẽ dễ dàng thoát hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp kẻ gian có vũ khí thì không thể sử dụng cách này, vì con sẽ rất dễ bị thương mà cần phải nghe theo lời họ. Tốt nhất, ba mẹ dạy trẻ tuyệt đối không đi theo người lạ dù bất cứ lý do nào.
Làm thế nào để con trở nên thận trọng một cách hợp lý mà không khiến con sợ hãi và hoang mang? Ba mẹ có thể dạy trẻ kỹ năng an toàn thông qua những câu chuyện để trẻ hiểu rằng người tốt sẽ có đặc điểm gì, người chưa tốt sẽ có đặc điểm gì; cuộc sống sẽ có những người tốt và những người chưa tốt và con cần phải biết cách tránh xa những người chưa tốt. Từ đó, con sẽ hiểu được và thực hiện theo lời chỉ dẫn của ba mẹ khi một mình gặp phải những tình huống xấu.
Quan trọng hơn hết, ba mẹ cần dạy con tránh tiếp xúc và đi theo người lạ, đồng thời cho con thực hành những tình huống giả định thường xuyên để trẻ chuẩn bị sẵn sàng tinh thần, hạn chế việc mất bình tĩnh, hoảng loạn khi có nguy cơ. Nuôi dạy con là một hành trình bên cạnh niềm vui, hạnh phúc còn là những bất lợi đòi hỏi ba mẹ cần phải có tri thức và trách nhiệm để bảo an mái ấm gia đình. Hãy trang bị những kỹ năng cần thiết cho trẻ để con có thể tự bảo vệ mình dù có ba mẹ bên cạnh hay không ba mẹ nhé!
Đọc tiếp
Tin liên quan
Sản phẩm mới