Cách mình giải quyết sự bướng bỉnh và chống đối của con

25/05/2022 191

Nhân dịp đang bàn về “khủng hoảng tâm lý” của các bé từ 0-6 tuổi, mình xin chia sẻ cùng các mẹ một chút về công cuộc đối diện với các khủng hoảng của gia đình mình.

Khủng hoảng ở trẻ 0-6 tuổi- Chia sẻ kinh nghiệm thực tế: Cách mình đối diện, giải quyết sự bướng bỉnh và chống đối của con

Nhân dịp đang bàn về “khủng hoảng tâm lý” của các bé từ 0-6 tuổi, mình xin chia sẻ cùng các mẹ một chút về công cuộc đối diện với các khủng hoảng của gia đình mình. Từ những tuần sơ sinh, bé nhà mình đã có những wonder weeks rất chi là hoành tráng, từ một em bé hay cười, chịu ăn chịu ngủ, con biến thành một em bé cáu bẳn, dễ khóc, ăn ít đi, ngủ cũng ít đi khiến cả nhà căng thẳng theo. Tuy nhiên, gia đình mình chỉ lúng túng ở vài kì wonder weeks đầu tiên vì chưa có kinh nghiệm, những kì sau thì mình chú ý quan sát những dấu hiệu của con để chuẩn bị sẵn các biện pháp xử lý nên đỡ hơn nhiều.

Nếu mình chưa rõ nguyên nhân vì sao con khóc thì mình sẽ bắt đầu bằng một cái ôm thật ấm áp, khi con đã bình tĩnh, đỡ khóc hơn thì mẹ chú ý quan sát xem con có khó chịu ở đâu không, con muốn làm gì đó mà chưa thể hiện ra được rồi từ từ tìm cách giúp con. Khi con còn trong độ tuổi sơ sinh, chưa biết nói, cũng không biết cách thể hiện mong muốn của mình, tuy nhiên nếu bố mẹ chú ý đến cảm xúc của con, thủ thỉ cùng con thì những tuần khủng hoảng sẽ trôi qua rất nhẹ nhàng.

Khi con lớn dần lên, những cuộc khủng hoảng lại tiếp tục đến mà không hề báo trước. Em bé ngoan ngoãn đáng yêu nhà mình đột nhiên lại rơi vào vòng xoáy cáu gắt, muốn làm theo ý mình, không được thỏa mãn thì lại tức giận, khóc lóc thậm chí nằm lăn ra ăn vạ. Mình không nhớ nổi có biết bao lần 2 mẹ con đã đi ra đường với trang phục 7 màu hay mùa hè mà đòi mặc áo khoác mùa đông, lúc trời lạnh thì lại đòi mặc mỗi chiếc váy công chúa mỏng manh. Có lần con còn khóc lăn ra không muốn mẹ giúp đánh răng hay đi giày, nhất quyết đòi con tự làm chứ không thể cho ai giúp. Mặc dù mình đã tìm đọc rất nhiều sách vở, tài liệu tham khảo nhưng khi thật sự ở trong hoàn cảnh đó mình vẫn thấy bối rối và lo lắng vô cùng. Tuy nhiên, mình vẫn luôn áp dụng cách xử lý như hồi con còn bé xíu, đầu tiên là ÔM CON thật chặt, xong rồi tìm cách nói chuyện, hỏi han con, gọi tên cảm xúc của con rồi tìm ra phương hướng giải quyết vấn đề khiến con đang khó chịu.

Mình rút ra được rằng nếu không giúp con bình tĩnh lại, vỗ về cảm xúc của con lúc đó thì sẽ rất khó để hiểu được bản chất những khó chịu, bướng bỉnh của con. Những ý muốn của con, như là đòi mặc quần áo nhiều màu, thích tự đánh răng hầu như đều xuất phát từ mong muốn bắt chước người lớn, được làm 1 thành viên ngang hàng trong xã hội người lớn. Vì nhu cầu độc lập mạnh mẽ nhưng khả năng còn hạn chế, hơn thế còn bị người lớn ngăn cản (và cả giành làm thay) khiến bé bị ức chế nên có những phản ứng làm người lớn “điên cái đầu”.

Con thường nói “không”, nhưng đó không phải chống đối mà chỉ là chứng tỏ “mình khác biệt”, bố mẹ cần nương theo nhu cầu độc lập của con để có thể giúp con bước đầu tự lập. Cụ thể là mình cho con tự làm những việc trong khả năng, hướng dẫn con làm những việc cần sự trợ giúp mới làm được, và đôi lúc thử thách con bằng những việc hơi quá khả năng, khi tự mình làm được con sẽ có cảm giác rất vui mừng, hạnh phúc và thêm phần tự tin vào bản thân hơn nữa.

Mình luôn thấy đau đầu mỗi lần phải đương đầu với những tuần khủng hoảng của con nhưng đây cũng là cơ hội để mình có thể giúp con học được rất nhiều những kĩ năng mới, phát triển thêm nhận thức của bản thân. Mình nhận thấy rằng nếu bố mẹ có những tác động phù hợp trong giai đoạn “khủng hoảng” đặc biệt này, con sẽ thêm tự tin vào bản thân và biết quý trọng các giá trị bản thân, hai yếu tố cần thiết làm nền tảng cho sự phát triển nhân cách sau này. Ngược lại, nếu bố mẹ đàn áp, dùng roi vọt hay kỉ luật quá mức hoặc quá chiều chuộng thì khi trẻ lớn hơn sẽ mất tự tin hoặc là sẽ trở thành tính ích kỷ, chỉ quen đòi hỏi, coi mình như “cái rốn vũ trụ”.

Đọc tiếp

Tags

Tin liên quan

Lên đầu trang