6 dấu hiệu trẻ bị nghiện thiết bị điện tử cha mẹ cần biết

30/05/2022 186

Làm thế nào để biết con có đang nghiện thiết bị điện tử hay không? Có phải chỉ cần dựa vào thời gian con dùng điện thoại, xem youtube hay chơi game là đủ?

Làm thế nào để biết con có đang nghiện thiết bị điện tử hay không? Có phải chỉ cần dựa vào thời gian con dùng điện thoại, xem youtube hay chơi game là đủ? Nhân dịp đọc được nghiên cứu rất hay của một bác sĩ về chứng “nghiện” thiết bị điện tử thông minh (điện thoại, tivi, ipad, máy chơi game,...), mình thực sự rất muốn chia sẻ với các bố mẹ vài điều vì số lượng trẻ em “nghiện” màn hình hiện nay đang gia tăng một cách chóng mặt, để lại những hệ lụy lâu dài về cả thể chất lẫn tinh thần không thua kém bất kỳ một cơn nghiện nào.

Nếu thấy con đang có những dấu hiệu sau đây thì bố mẹ cần lưu tâm ngay trước khi mọi chuyện trở nên tệ hơn:

  • Không thể kiểm soát thời gian dùng thiết bị điện tử: Trẻ không thể rời mắt khỏi những nội dung hấp dẫn trên chiếc điện thoại, xem hết video này lại đến video khác, hết ván game này đến ván khác mà không tự chủ để ngừng lại được. Bố mẹ đặt ra giới hạn thời gian con cũng không hợp tác. Thời gian dùng điện thoại không ngừng tăng lên, thậm chí mải mê đến quên ăn quên ngủ.

  • Thiếu hứng thú với các hoạt động khác: Trừ việc dán mắt vào màn hình điện thoại, con không hào hứng với bất kỳ việc gì khác, ngay cả ăn uống; đùa nghịch; ra ngoài chơi; gặp gỡ bạn bè, hay được mua cho một món đồ mới. Đây là một dấu hiệu cực kỳ nguy hiểm vì trẻ nhỏ vốn ưa chạy nhảy, khám phá mà nay bản năng này mất dần thì chứng tỏ con đã “nghiện” rất nặng.

  • Không ngừng suy nghĩ về các thiết bị điện tử: Ngay cả khi không được dùng điện thoại, trẻ vẫn không thôi nghĩ đến game, điện thoại, mạng xã hội và khao khát được sử dụng mọi lúc mọi nơi. Ví dụ trẻ ăn vội ăn vàng trong bữa cơm, cố làm cho nhanh xong bài tập để được dùng.

  • Khó kiềm chế, kiểm soát cảm xúc và có những hành vi quá khích: Các em bé thì thường khóc lóc, ăn vạ còn trẻ lớn hơn thì có biểu hiện chống đối, phản kháng lại bố mẹ, ông bà khi được yêu cầu trả lại thiết bị điện tử. Tính tình trẻ cũng trở nên nóng nảy, hay cáu kỉnh, mất bình tĩnh.

  • Nói dối: Trẻ lén dùng trộm điện thoại vì quá “thèm” hay nói dối về mục đích sử dụng điện thoại. Ví dụ con đang xem video giải trí, chơi game nhưng lại nói là tìm tài liệu học tập. Tình trạng này càng phổ biến trong đợt giãn cách xã hội vừa rồi, khi trẻ em phải học qua zoom và nhiều bố mẹ để mặc con tự học với một chiếc smartphone, nhiều đứa trẻ đã nói dối để được dùng các thiết bị điện tử nhiều hơn.

  • Sa sút học tập, mất kết nối với mọi người xung quanh: Trẻ “nghiện” thiết bị điện tử thường lờ đờ, thiếu tập trung, trí nhớ suy giảm dẫn đến kết quả học tập sút kém. Trẻ cũng chỉ thích ở một mình với chiếc điện thoại, không muốn giao tiếp với ai, kể cả người thân nên mất dần kết nối với cuộc sống thực; trở nên nhút nhát, ít nói, thiếu kỹ năng sống.

Chứng “nghiện” thiết bị điện tử đã được chứng minh là nguyên nhân của hàng loạt vấn đề như: cận thị, mất ngủ, quấy khóc; tăng động giảm chú ý; trầm cảm, lo âu; chậm phát triển ngôn ngữ, nhận thức; khó khăn trong giao tiếp; khiến trẻ khó có thể lớn lên khỏe mạnh và hạnh phúc cũng như khó hòa nhập vào đời sống xã hội sau này.

Vì thế, ngay cả khi con chưa “nghiện” màn hình, bố mẹ cũng cần thiết lập những quy tắc dùng điện thoại hợp lý, kiểm soát thời gian sử dụng của con và hướng con đến những hoạt động thể chất, trí tuệ lành mạnh. Và nếu như con có lỡ “nghiện” màn hình thì bố mẹ lại càng cần gần gũi con nhiều hơn, tạo ra nhiều hoạt động tương tác thú vị hơn, thậm chí là tìm đến sự giúp đỡ của các bác sĩ tâm lý để giúp con “cai” thiết bị điện tử thành công.

Đọc tiếp

Tags

Tin liên quan

Lên đầu trang