Lợi ích của sách tương tác thông minh đối với sự phát triển cảm xúc của trẻ 0-6 tuổi

14/09/2023 824

Mục lục

     

    Trí tuệ cảm xúc (EQ) là khả năng thể hiện và quản lý cảm xúc của bản thân, đồng thời tôn trọng và thấu hiểu cảm xúc của người khác. EQ là tổng hợp các kỹ năng mà trẻ có thể bắt đầu học ở mọi lứa tuổi, và chịu ảnh hưởng nhiều nhất ở giai đoạn thơ ấu dưới 6 tuổi. 


    ThS Lê Ngọc Bảo Trâm - Giảng viên khoa Tâm lý Đại học KHXH & Nhân Văn Tp.HCM cho biết: Nhờ cảm xúc, trẻ có thể biểu đạt được những trạng thái bên trong, nhu cầu của bản thân trong quá trình tương tác với người lớn để sinh tồn và phát triển. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng trí tuệ cảm xúc có mối quan hệ mạnh mẽ với sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và kết quả học tập của trẻ. Hơn hết, trí tuệ cảm xúc đã được chứng minh là có thể được phát triển qua giáo dục.


    Việc cha mẹ hoặc người lớn dành thời gian chơi cùng trẻ sẽ góp phần nuôi dưỡng mối quan hệ gắn bó và những cảm xúc tích cực cho trẻ. Trong đó, hoạt động đọc sách cũng giúp trẻ xử lý cảm xúc của mình một cách phù hợp, đặc biệt là những cảm xúc khó như buồn, tức giận, sợ hãi, ghen tỵ, tội lỗi và lo lắng. Thông qua việc nhìn thấy các nhân vật trong sách trải qua những cảm xúc khó như tức giận hoặc buồn bã sẽ cho trẻ biết rằng những cảm xúc này là bình thường, từ đó trẻ sẽ có cơ hội để nói ra cảm xúc khó của mình (ThS Bảo Trâm cho biết thêm).


    Có ba giai đoạn phát triển cảm xúc của trẻ theo từng độ tuổi. Đó là: Gọi tên được cảm xúc, Nhận biết cảm xúc của bản thân và người khác; Biết cách quản lý và sử dụng cảm xúc phù hợp. Theo đó, ThS Bảo Trâm khuyên cha mẹ lựa chọn một số cuốn sách tương tác thông minh phù hợp với từng giai đoạn này của trẻ. 


    Sách tương tác thông minh giúp trẻ biết “gọi tên cảm xúc”


    Giai đoạn này thường diễn ra khi trẻ dưới 2 tuổi. Cha mẹ có thể nhận thấy trẻ thường bộc lộ cảm xúc cơ bản như: khó chịu, thích thú, tức giận, sợ hãi, buồn bã và phấn khích. Cảm xúc có thể được xem như là “công cụ” giúp trẻ bày tỏ nhu cầu của mình để được người lớn nhận ra và đáp ứng nhu cầu đó. Bên cạnh đó, đây cũng là giai đoạn trẻ đang học cách nhận ra biểu cảm của các cảm xúc thường ngày thông qua cách quan sát biểu cảm của người xung quanh. 


    Qua cuốn sách “Lift the flap Cảm xúc này là gì?” trẻ sẽ được làm quen với nhiều bạn nhỏ khác nhau và cùng trả lời câu hỏi về cảm xúc liên quan đến những tình huống thường ngày của các bạn. Các tình huống trong sách giúp trẻ học về biểu cảm trên khuôn mặt (miệng cười, mắt mở to) tương ứng với điều trẻ cảm thấy (thoải mái, vui vẻ), và gọi tên bằng từ chỉ cảm xúc tương ứng (vui vẻ). 

    Mỗi trang sách đều có sự xuất hiện của các cặp cảm xúc đối lập nhau, giúp bé phân biệt các loại cảm xúc khác nhau qua biểu cảm gương mặt và tình huống câu chuyện. Đặc biệt, có một lời mời xuất hiện ở mỗi tình huống là “Hãy kể một lần bé có cảm xúc giống nhân vật” chính là cơ hội tuyệt vời để cha mẹ bắt đầu trò chuyện cùng trẻ về cảm xúc. Cha mẹ có thể kể cho trẻ nghe về một câu chuyện của mình khi có cảm xúc vui vẻ giống bạn nhỏ trong sách, sau đó sẽ đến lượt trẻ kể. Hoạt động này sẽ giúp trẻ liên hệ các khái niệm cảm xúc được học trong sách, từ cha mẹ với bản thân mình.

     

    Sách tương tác thông minh giúp trẻ “nhận biết cảm xúc của bản thân và người khác”

     

    Giai đoạn này diễn ra ở trẻ 2-3 tuổi. Khi đó, trẻ có trải nghiệm những cảm xúc càng phức tạp hơn như xấu hổ, tội lỗi và tự hào. Lúc này, trẻ có thể sử dụng ngôn ngữ để bộc lộ và điều chỉnh cảm xúc như: nói ra rằng con đang sợ, con buồn quá, con vui quá, … Do đó, việc được trò chuyện, chơi, đọc sách liên quan đến chủ đề về cảm xúc sẽ trở thành cơ hội quý giá giúp bé học hỏi và gia tăng vốn từ vựng về cảm xúc, cũng như hiểu về các loại cảm xúc của mình và người xung quanh.


    Cuốn sách Lift the flap Bé học cách yêu thương sẽ giúp trẻ làm quen và cùng tham gia vào câu chuyện của các bạn trong sách. Qua đó, trẻ sẽ học cách nhận biết cảm xúc của nhân vật và thể hiện cảm xúc, lòng tốt của mình khi xử lý các tình huống trong câu chuyện.


    Ví dụ: Bạn Maya cảm thấy (vui vẻ) khi bạn thân Ayla đến nhà chơi. Hai bạn chơi dựng lều với nhau (vui vẻ). Khi em gái đến gõ cửa thì Maya (giận dữ) và em ấy không chịu đi. Maya và Ayla tiếp tục chơi với nhau (vui vẻ) trong khi em gái đứng ngoài cửa (buồn bã). Vậy, “bạn Maya có thể thể hiện lòng tốt của mình như thế nào nhỉ?”. Để trả lời câu hỏi trên, trẻ sẽ lật mở ô trên trang sách và xem cách xử lý tình huống của bạn Maya khi cho em chơi cùng để cả ba đều (vui vẻ). 

    Thông qua việc nhận diện cảm xúc của bản thân và người khác trong các tình huống khác nhau, đây là những bài học rất sống động và dễ ghi nhớ giúp nuôi dưỡng lòng trắc ẩn, góp phần nâng cao năng lực cảm xúc của trẻ.

     

    Sách tương tác thông minh giúp trẻ “biết cách quản lý và sử dụng cảm xúc phù hợp”

     

    Giai đoạn này thường diễn ra ở trẻ 3-6 tuổi. Khi đó, trẻ bắt đầu hiểu biết hơn khái niệm về bản thân và lòng tự trọng. Trẻ nhận biết và thể hiện cảm xúc của mình một cách phù hợp hơn giai đoạn trước, đặc biệt là khả năng điều chỉnh cảm xúc và hành vi. Nhờ vậy, trẻ có thể kiên trì khi đối mặt với những việc khó và thất bại. 

    Bên cạnh đó, trẻ cũng biểu hiện rõ tình cảm đối với những người thân trong gia đình, thích được âu yếm và chơi cùng với ba, mẹ, ông, bà, … Khi đối diện với những tình huống trong cuộc sống, trẻ bộc lộ sự đồng cảm như: lo lắng khi thấy bà bị đau, thương em bé yếu ớt, yêu thương các con vật, cỏ, cây, hoa, lá, các nhân vật trong câu chuyện. 


    Các cuốn sách sách chiếu bóng, sách chuyển động mang chủ đề truyện cổ tích như là Nàng Tiên Cá, cô bé bán diêm, nàng Bạch Tuyết, cây tre trăm đốt, Tấm Cám, …đến truyện ngụ ngôn như: thỏ và rùa, vịt con xấu xí, ….và những câu chuyện trong đời sống hàng ngày như: Bé đi chơi công viên, bé đẹp xinh – bé văn minh, … sẽ giúp bé nâng cao năng lực cảm xúc, biết đồng cảm, biết cách sử dụng cảm xúc vào từng hoàn cảnh khác nhau. Đặc biệt, cách đọc độc đáo của sách chiếu bóng, sách chuyển động còn giúp bé thích thú đọc sách, gia tăng cảm xúc tích cực giúp việc ghi nhớ các bài học từ sách tốt hơn.


    Với sự đồng hành của các sách tương tác thông minh, cha mẹ có thể cùng trẻ đưa thời gian đọc sách trở thành cơ hội thú vị để nói về những cảm xúc thường ngày và cách đối diện với những cảm xúc đó. Việc đọc sách tương tác cùng con không chỉ giúp nuôi dưỡng thói quen đọc sách mà còn là hoạt động gắn kết tình cảm giữa con cái và cha mẹ. Từ đó, thời gian được đọc sách cùng cha mẹ sẽ là lúc mà bé mong chờ nhất trong ngày. (Theo ThS Lê Ngọc Bảo Trâm)


    Tìm hiểu thêm về sách tương tác thông minh tại đây nhé!

    Đọc tiếp

    Tags

    Tin liên quan

    Lên đầu trang