Đôi lời của dịch giả và biên tập về cuốn sách Bách khoa thư bằng đồ họa

22/02/2025 23

Mục lục

    Bách khoa thư bằng đồ họa được xuất bản bởi nhà Britannica nổi tiếng, 3 đồng tác giả cùng nhiều chuyên gia tổng hợp số liệu, chuyên gia cố vấn là các tiến sĩ giáo sư đến từ các lĩnh vực, minh họa chi tiết tỉ mỉ qua những con số và bảng biểu minh họa.

    Một lượng lớn trong số 200 đồ họa thông tin trong cuốn sách này là tập hợp của hàng trăm ngàn dữ liệu từ các nhà nghiên cứu dữ liệu, cố vấn từ các chuyên gia là giáo sư, tiến sĩ đầu ngành. Mọi thông tin dữ liệu được sắp xếp và trình bày tỉ mỉ, phong cách minh họa tinh tế mà ấn tượng mạnh, tăng khả năng ghi nhớ của người đọc. 

     

    Đội ngũ Biên tập và Dịch giả của cuốn sách đã có những chia sẻ thú vị trong quá trình dịch cuốn sách này! Hãy cùng theo dõi nhé!

    Thời gian biên tập cuốn sách là 5 tháng bao gồm việc kiểm soát độ chính xác của nội dung kiến thức, đối chiếu bản dịch với bản gốc, kiểm soát hình ảnh, lỗi morat... 

    Cuốn sách này có khác biệt gì ấn tượng với các ấn phẩm khác bạn đã từng biên tập không?

    Biên tập viên: Điểm nổi bật và khác lạ của cuốn sách này là các số liệu trong sách được trình bày dưới dạng đồ họa thông tin, rất trực quan, sinh động và mới lạ, khiến việc tiếp nhận các số liệu khô khan trở nên dễ hiểu, dễ hình dung và cũng thú vị hơn, vì vậy việc tiếp thu kiến thức cũng dễ dàng hơn.

    Dịch giả: Cuốn sách này đặc biệt ở chỗ nó được trình bày 100% dưới dạng đồ họa thông tin (infographic), chẳng hạn như biểu đồ, bản đồ, sơ đồ, dòng thời gian... Cách trình bày này khiến độc giả dễ dàng và nhanh chóng tiếp nhận kiến thức hơn rất nhiều so với việc liệt kê thông thường, bởi nó làm nổi bật mối tương quan so sánh giữa các đối tượng và làm hiện ra bức tranh tổng thể. Một ví dụ điển hình ở trang 43:

    Infographic trên cho thấy Trái Đất của chúng ta thực sự quá nhỏ bé giữa vũ trụ mênh mông này, nơi mà Mặt Trời cũng chỉ như hạt cát so với ngôi sao UY Scuti ở trung tâm Ngân Hà (xem trang 33).

    Cần biết rằng để thiết kế một infographic chuẩn và đẹp, đội ngũ tác giả, minh họa và cố vấn phải phối hợp chặt chẽ với nhau, phải sử dụng óc tư duy tổng hợp, chọn lọc, cộng với óc thẩm mỹ xuất sắc và sự cẩn thận tối đa trong từng nấc thang tỉ lệ. Không nghi ngờ gì, đây là một dự án kỳ công. Ví dụ trang 172-173:

    Cứ như vậy, với vô số đồ họa thông tin ở sáu chủ đề quan trọng, cuốn sách này khiến bất kỳ ai cũng phải trầm trồ, ngỡ ngàng, choáng ngợp trước thế giới khoa học kỳ thú, đẹp đẽ và đầy bí ẩn.

     

    Quá trình dịch

    Từ những gì được nêu ở mục 1, bạn có thể đoán ra người dịch cũng phải hết sức tỉ mỉ khi đánh số thứ tự cho từng ô text, theo sát thứ tự ấy và dịch đúng, dịch đủ thông tin.

    Có những infographic cực kỳ phức tạp, người dịch cần đảm không một đối tượng nào bị bỏ sót; các số liệu cần được viết lại trung thành; các thuật ngữ cần được tra cứu và chuyển ngữ phù hợp. Tất cả đòi hỏi sự tỉnh táo và tập trung cao độ xuyên suốt quá trình dịch - và điều này không hề dễ dàng.

    Kỉ niệm đáng nhớ trong quá trình dịch

    Nếu chỉ nhìn vào mặt chữ và hình ảnh phác thảo của sinh vật này, không ít người sẽ nghĩ “Guinea pig” là lợn Guinea, một giống lợn được mua bằng đồng Guinea của Anh thời xưa.

    Trên thực tế, “Guinea pig” là... chuột lang, và không liên quan gì đến loại gia súc quen thuộc của nhà nông. Người dịch suýt nữa đã nhầm lẫn, nếu không có sự nhắc nhở của BTV. Check lại thông tin là điều được làm ngay lập tức.

    Đây là một kinh nghiệm vừa đáng sợ vừa thú vị, nhắc nhở người dịch về sự cẩn trọng khi dịch tên của các sinh vật trong tiếng Anh. Bạn sẽ ngạc nhiên lắm khi biết rằng “Bombay duck” không phải là vịt Bombay, mà là... cá khoai!

     Thế mới nói, Bách khoa thư về đồ họa là một dự án công phu và gian khổ, trải qua nhiều lần đọc - dịch - tra cứu - sửa chữa bởi một đội ngũ kỳ cựu, trước khi chính thức đến tay độc giả.

     

     

     

     

     

     

     

    Đọc tiếp

    Tags

    Tin liên quan

    Lên đầu trang