Dạy trẻ kỹ năng sống biết nhường nhịn, sẻ chia
Nếu trẻ không chịu chia sẻ chiếc xe đồ chơi, hãy đề nghị trẻ thay phiên cùng chơi và đảm bảo với trẻ rằng chia sẻ không giống như cho đi. Khi trẻ chia sẻ đồ chơi của mình, bạn bè sẽ cho trẻ chơi cùng đồ chơi của bạn, đó là sự cho đi và nhận lại.
Mục lục
Các bậc phụ huynh nghĩ thế nào về câu chuyện sau: "Hideko là một bà mẹ người Nhật. Để dạy con cách san sẻ, kiên nhẫn và tự tìm cách giải quyết vấn đề của mình, cô đã chọn cách trao cho con cơ hội tập luyện. Cô thường chỉ mua 1 cây kem cho 2 đứa con của mình. Chúng cãi nhau về việc ai được cầm, ai ăn trước, ai cắn miếng to hơn là điều không thể tránh khỏi. Hideko sẽ không để tâm, chỉ thầm quan sát chúng cho đến khi thấy 1 trong 2 đứa con tỏ ra quá đáng mới ra tay.
Khi đi ăn nhà hàng, Hideko cũng sẽ chỉ gọi 1 phần ăn. Dù cho trên đĩa là hamburger, bít tết hay bánh pudding thì cũng chỉ có 1 cái. Kể cả đồ chơi cho con cũng chỉ cho 1 thứ. Nhiều người có thể không hiểu và cho rằng Hideko keo kiệt. Tại sao lại tự bắt các con mình phải tranh giành như vậy, cứ để cho chúng vui vẻ có phải hơn không?
Hideko đủ khả năng để mua liền mấy cây kem, để gọi cho con 2 phần ăn. Cuộc sống vật chất ngày một đầy đủ, đó là điều bình thường nhưng vấn đề là mọi vật chất trên thế giới này đâu phải đều được chia phần sẵn cho chúng ta.
Khi người ta muốn có thứ độc nhất vô nhị đang ở trước mắt kia, họ sẽ làm thế nào? Nằm lăn ra đất khóc ăn vạ có tác dụng không? Mặc dù ở xã hội hay trong trường học, các con được tôn trọng và bình đẳng như nhau, nhưng lại khiến cho cơ hội chia sẻ ngày một ít đi. Vì vậy, Hideko đã cố tình tạo ra một môi trường có phần thiếu thốn để giúp các con học cách san sẻ, kiên nhẫn và tự tìm cách giải quyết vấn đề của mình."
Chúng ta có thể không chọn cách để các con phải tranh giành nhau 1 món đồ nhưng mình tin rằng chia sẻ giúp con rèn kỹ năng xã hội rất tốt. Cho nên phương pháp dạy trẻ kỹ năng sống, biết cách chia sẻ giúp trẻ tạo dựng - giữ gìn tình bạn và hợp tác với người khác. Qua việc chia sẻ, các bậc phụ huynh nên giáo dục trẻ em cách quản lý cảm xúc và nhìn mọi việc theo nhiều hướng khác nhau.
Nhưng làm sao để dạy trẻ chia sẻ khi con bước vào tuổi lên 2 - độ tuổi mà con đang học cách sở hữu và từ “của con” và “không” trở thành 2 từ yêu thích của con? Bố mẹ có thể tham khảo các cách sau nhé!
Dạy trẻ những trò chơi hợp tác
Dạy trẻ trong những trò chơi hợp tác trong đó trẻ phải làm việc cùng với những người khác, thay vì những trò chơi cạnh tranh tập trung vào chiến thắng. Bạn có thể thử thực hiện một trò chơi ghép hình cùng nhau, thay phiên nhau đặt thêm các mảnh ghép, chơi trò ném bóng. Chia sẻ các hoạt động cũng vậy: tưới cây, lau nhà hoặc dọn đồ, mua sắm cùng nhau.
Đừng trừng phạt trẻ vì không chia sẻ
Dạy trẻ kỹ năng sống là khi bạn không nên phạt trẻ khi chưa biết cách chia sẻ. Bạn có thể cảm thấy xấu hổ khi thấy con giật gấu bông từ bạn của mình hoặc nổi cơn thịnh nộ vì lượt chơi của trẻ đã kết thúc. Nhưng nếu bạn nói với trẻ rằng trẻ ích kỷ hoặc ép trẻ đưa một vật sở hữu quý giá của trẻ cho mình, trẻ có thể hiểu rằng chia sẻ có hậu quả tiêu cực. Khi trẻ cảm thấy xấu hổ, trẻ có thể trở nên phòng thủ hơn. Điều này có thể khiến việc học các kỹ năng mới trở nên khó khăn hơn nhiều.
Vì vậy, hãy cố gắng cho con một chút thời gian và hiểu rằng có thể con không cố tình xấu tính hoặc thô lỗ khi từ chối chia sẻ. Hãy nhớ rằng trẻ muốn giữ một số đồ vật cho riêng mình là điều hoàn toàn tự nhiên, vì trẻ phát triển ý thức của việc sở hữu một thứ gì đó. Hãy yên tâm rằng khi trưởng thành, trẻ sẽ học được rằng chia sẻ với bạn bè thú vị hơn nhiều so với việc tự chơi một mình.
Bố mẹ có thể giữ một hoặc hai món đồ yêu thích làm đồ vật đặc biệt dành riêng cho trẻ, cũng như bạn có thể có một số tài sản quý giá mà bạn không muốn chia sẻ.
Để trẻ được nói ra
Khi trẻ tranh cãi với bạn về đồ chơi, hãy cố gắng can thiệp trước khi mọi thứ trở nên căng thẳng. Nếu một trong hai đứa trẻ bắt đầu nổi cơn thịnh nộ, hãy cố gắng đưa con bạn ra khỏi khu vực đó cho đến khi mọi thứ lắng xuống. Một khi cả hai đã sẵn sàng lắng nghe, hãy thảo luận tình huống với chúng một cách ôn tồn và bình tĩnh. Nếu bạn của con bạn đang giấu cảm xúc nào đó, hãy giúp con được nói ra. Đó chính là cách g mà các bậc phụ huynh nên lưu tâm.
Điều này cũng giúp trẻ yên tâm rằng bạn hiểu cảm giác của trẻ. Nếu trẻ đang miễn cưỡng chia sẻ một món đồ chơi nào đó, hãy hỏi trẻ tại sao. Có thể bạn sẽ phát hiện ra rằng đó là quà của ông nội cho trẻ, trẻ rất yêu quý nó.
Dạy trẻ cách giải quyết vấn đề
Nếu trẻ không chịu chia sẻ chiếc xe đồ chơi, hãy đề nghị trẻ thay phiên cùng chơi và đảm bảo với trẻ rằng chia sẻ không giống như cho đi. Khi trẻ chia sẻ đồ chơi của mình, bạn bè sẽ cho trẻ chơi cùng đồ chơi của bạn, đó là sự cho đi và nhận lại. Các bậc phụ huynh có thể tham khảo các bộ sách dành cho trẻ để giải quyết vấn đề.
Tôn trọng tài sản của trẻ
Nếu trẻ mẫu giáo cảm thấy quần áo, sách và đồ chơi của mình có thể bị mất hoặc hư hỏng, trẻ sẽ ít sẵn sàng chia sẻ chúng hơn. Vì vậy, hãy xin phép trước khi cho em bé mượn bút chì màu và cho trẻ lớn tùy chọn từ chối. Đảm bảo rằng anh chị em và bạn bè của trẻ cũng tôn trọng những thứ của trẻ, bằng cách khuyến khích các bé hỏi xem bé có thể sử dụng chúng hay không và đảm bảo rằng bé sẽ giữ gìn chúng.
Đọc tiếp
Tin liên quan
Sản phẩm mới