Các bước thỏa hiệp với con hiệu quả
Những đứa trẻ ngoan bỗng dưng nghịch ngợm, ương bướng, không nghe lời, gào khóc, ăn vạ khiến nhiều bậc cha mẹ trở nên lúng túng và có cách giải quyết sai lầm như quát mắng, nạt nộ khiến những cơn khủng hoảng của trẻ ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng đến cả sự phát triển tính cách sau này.
Những đứa trẻ ngoan bỗng dưng nghịch ngợm, ương bướng, không nghe lời, gào khóc, ăn vạ khiến nhiều bậc cha mẹ trở nên lúng túng và có cách giải quyết sai lầm như quát mắng, nạt nộ khiến những cơn khủng hoảng của trẻ ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng đến cả sự phát triển tính cách sau này.
Thật ra, không phải trẻ “hư” hơn mà vì bố mẹ chưa thấu hiểu tâm lý và những thay đổi của con để “chế ngự” những cơn khủng hoảng này một cách đúng đắn. Lúc này, nghệ thuật thỏa hiệp sẽ giúp bố mẹ có thể đồng thời đạt được 2 mục đích: không vi phạm các quy tắc mà vẫn khiến con cảm thấy được lắng nghe và thỏa mãn ý muốn.
Đoán trước cơn khủng hoảng xảy ra
Bố mẹ sẽ là người hiểu rõ nhất các tín hiệu, biểu hiện có thể dẫn đến “cơn khủng hoảng” của con và hạn chế những tình huống đó. Ví dụ khi con đói, con mệt thì sẽ dễ cáu kỉnh. Hay con muốn tự xúc cơm, tự lấy đồ chơi mà bố mẹ lại tiện tay làm hộ thì con sẽ giận dữ gào khóc. Hay con rất dễ đòi hỏi, mè nheo khi đi siêu thị và những chỗ đông người. Hiểu rõ những tín hiệu này sẽ giúp bố mẹ bình tĩnh hơn, từ đó truyền cảm giác an tâm sang con, giúp cơn khủng hoảng dịu lại.
Tôn trọng và lắng nghe cảm xúc của con
Khi con không hài lòng điều gì đó mà gào khóc, ăn vạ; nếu bố mẹ lại quát mắng thì con sẽ càng căng thẳng và phản ứng tiêu cực hơn. Đừng cố gắng giải quyết cơn ăn vạ của con ngay lập tức mà hãy thử hít thở thật sâu, giữ cho bản thân bình tĩnh và lắng nghe cảm xúc của con. Hãy giúp con gọi tên cảm xúc và hướng dẫn con nên làm gì thay vì cáu giận. Một cái ôm thật chặt hay những lời an ủi, động viên cũng sẽ giúp cảm xúc của trẻ dịu lại và tin tưởng bố mẹ nhiều hơn.
Để con được lựa chọn trong khuôn khổ
Đừng nói “Không” ngay với cả những đòi hỏi vô lý của trẻ (xem điện thoại, ăn kẹo mút, không chịu đánh răng, không chịu đi ngủ) vì điều này sẽ chỉ khiến trẻ cảm thấy bố mẹ không yêu mình, không ai hiểu mình và phản ứng càng dữ dội hơn. Hãy giải thích cho con hiểu vì sao con nên làm việc này mà không nên làm việc kia, đồng thời đưa ra những lựa chọn mà cả hai đều có thể chấp nhận. Ví dụ, khi con mải chơi chưa muốn đi ngủ, đừng ra lệnh cho con “Đi ngủ ngay” mà hãy cho con lựa chọn “Con muốn đi ngủ luôn hay đi ngủ sau 5 phút nữa.”
Đưa ra những chỉ dẫn cụ thể
Đôi khi con không nghe lời là vì bố mẹ chỉ đưa ra mệnh lệnh mà không giải thích vì sao con phải làm như vậy. Hay khi con sợ hãi, mệt mỏi, khó chịu nhưng không biết làm gì khác ngoài khóc lóc, ăn vạ. Lúc này, bố mẹ cần đưa ra những chỉ dẫn cụ thể để con tự tin bày tỏ mong muốn và làm chủ cảm xúc của mình. Khi muốn con ăn rau, đừng chỉ ra lệnh “Ăn đi” mà hãy nhẹ nhàng “Rau rất nhiều vitamin sẽ giúp con khỏe và cao”; “Con nên đánh răng, nếu không các bạn vi khuẩn sẽ ăn răng của con xấu lắm.”
Cứng rắn khi cần thiết
Cứng rắn ở đây không phải là nói nặng lời mà là cứng rắn trong nguyên tắc ứng xử với cơn khủng hoảng của trẻ. Vẫn giữ thái độ nhẹ nhàng nhưng cương quyết không chiều theo những đòi hỏi vô lý của con, dần dần trẻ sẽ hiểu được đúng sai, phải trái và không mè nheo, ăn vạ nữa.
Trong hành trình lớn lên, một đứa trẻ sẽ trải qua rất nhiều những sự thay đổi về cả thể chất lẫn tâm sinh lý, mạnh mẽ nhất là trong độ tuổi 2-5 và độ tuổi dậy thì. Trước những xáo trộn trong chính bản thân mình, con rất cần sự thấu hiểu và hướng dẫn của cha mẹ để vượt qua những cơn khủng hoảng này, từ đó biết kiểm soát cảm xúc và hoàn thiện bản thân. Hãy kiên nhẫn, bao dung và tạo dựng sự tin tưởng với con bằng nghệ thuật thỏa hiệp đúng cách bố mẹ nhé!
Đọc tiếp
Tin liên quan
Sản phẩm mới