Bố mẹ nên làm gì khi bé có những đòi hỏi vô lý?
Chuyện con trẻ suốt ngày đòi hỏi, không được là lăn ra ăn vạ, giận dỗi bố mẹ hẳn là tình huống không hề hiếm gặp với mọi bậc phụ huynh. Nhỏ thì đòi mua đồ chơi, đòi ăn bim bim, kẹo ngọt; lớn thì đòi hỏi quần áo, điện thoại đắt tiền,...
Mục lục
Chuyện con trẻ suốt ngày đòi hỏi, không được là lăn ra ăn vạ, giận dỗi bố mẹ hẳn là tình huống không hề hiếm gặp với mọi bậc phụ huynh. Nhỏ thì đòi mua đồ chơi, đòi ăn bim bim, kẹo ngọt; lớn thì đòi hỏi quần áo, điện thoại đắt tiền,... Đặc biệt là trẻ em trong độ tuổi từ 2-5 và độ tuổi dậy thì với nhận thức mạnh mẽ và khát khao khẳng định bản thân thì chuyện đòi hỏi xảy ra như cơm bữa. Tuy đây là hiện tượng tâm lý phổ biến trong quá trình lớn lên của mọi đứa trẻ nhưng nếu không được uốn nắn kịp thời thì con rất dễ trở thành những “ông tướng” “bà tướng” trong tương lai - luôn coi mình là trung tâm vũ trụ và coi việc người khác chăm sóc, đáp ứng nhu cầu của mình là chuyện đương nhiên. Vậy làm cách nào dạy con đúng cách?
Vì sao bé con thường hay đòi hỏi vô lý?
Những đòi hỏi vô lý thường gặp ở trẻ có thể kể đến là đòi hỏi vật chất và đòi hỏi người khác phải làm theo ý mình. Con có thể đòi ăn kẹo ngay trong bữa ăn, đòi xem tivi mới chịu uống sữa hay nằng nặc đòi cho bằng được món đồ chơi gặp trong siêu thị dù ở nhà đã có. Hay con đòi nghịch ổ điện, đòi nghịch bát nước canh, đòi đứng trên cửa sổ cao, đòi bế dù mẹ đang xách nhiều đồ, đòi bố làm ngựa cho cưỡi mà cứ dừng là khóc. Đưa ra yêu cầu thực chất là quá trình trẻ khám phá các ranh giới, điều gì được phép và không được phép. Hơn nữa, nhận thức của trẻ còn hạn chế, khả năng kiểm soát cảm xúc còn kém nên trẻ chắc chắn sẽ mè nheo, quấy khóc khi nhu cầu không được thỏa mãn. Nhưng nếu thấy bố mẹ cương quyết, lần sau trẻ sẽ biết đó là việc không nên và biết tự điều chỉnh suy nghĩ, hành vi của mình. Nhưng nhiều bố mẹ vì thương con, vì sợ con khóc lóc, ăn vạ nên dù biết đòi hỏi đó là vô lý vẫn đáp ứng con cho xong chuyện. Điều này vô tình khiến cấp độ đòi hỏi của trẻ ngày càng tăng lên và càng khó sửa.
Bố mẹ phải làm gì để dạy con đúng cách và không đòi hỏi vô lý?
Dạy con đúng cách là phải kiên quyết nói “không”
Cách giáo dục trẻ hay đòi hỏi hiệu quả nhất là phải tỏ rõ thái độ “Không được” và cũng không nên mềm lòng hay thay đổi quyết định dù con có vòi vĩnh tới mức nào. Vì nếu chúng ta cứ nói không rồi sau đó lại đáp ứng thì trẻ sẽ hình thành suy nghĩ “đòi gì được nấy”, không bao giờ biết đủ và trở nên vô tâm, vô cảm. Tuy nhiên, nói “Không” phải kèm theo lời giải thích đầy đủ để con biết vì sao không được, không nên, từ đó hình thành quan niệm về phải trái đúng sai.
Dạy trẻ kỹ năng sống bằng cách nỗ lực đạt được điều mình mong muốn
Không phải trước mọi đòi hỏi của con, chúng ta đều nói “Không” mà nhiều trường hợp, có thể nói “Có” và kèm theo điều kiện. Ví dụ, khi con đòi “Con muốn ăn pizza”, hãy đáp lại “Được. Nhưng trước tiên chúng ta hãy dọn bàn ăn đã.” Hay khi con đòi mua đồ chơi, hãy đáp lại “Được. Mẹ con mình cùng gom sắt vụn, phế liệu bán đi để mua món đồ chơi đó nhé.” Bố mẹ hãy dạy trẻ kỹ năng sống bằng cách cố gắng, nỗ lực đạt được điều mình muốn và biết trân trọng giá trị của lao động.
Dạy con đúng bằng những lời đề nghị lịch sự
Hãy cho con biết rằng, nếu muốn người khác làm điều gì đó cho mình thì trước hết mình phải cư xử lịch thiệp chứ không phải là gào khóc, la hét. Dạy con đúng là phải biết nói từ “Xin vui lòng” “Cảm ơn” khi nhận được sự giúp đỡ từ người khác.
Dạy con biết ơn cuộc sống
Những đứa trẻ được thỏa mãn mọi đòi hỏi một cách dễ dàng thường không bao giờ biết đủ, và càng không biết thông cảm cho những khó khăn, mệt nhọc của cha mẹ hay biết trân trọng những gì mình đang có. Hãy giáo dục trẻ về cảm xúc của bản thân, nhờ con làm điều gì đó cho bố mẹ hoặc cho con tiếp xúc với nhiều mảnh đời khác nhau trong cuộc sống để con biết thông cảm, sẻ chia.
Những đòi hỏi vô lý ở trẻ nhỏ là hết sức bình thường vì đó là cách con khám phá các giới hạn, biết cái gì nên hay không nên, được không được. Nhưng chính cách ứng xử của cha mẹ trong trường hợp đó lại quyết định con sẽ tiếp tục mè nheo, ngang bướng hay trở nên hiểu chuyện, biết cảm thông. Hãy giáo dục trẻ vừa nhẹ nhàng nhưng cương quyết, bao dung nhưng không nuông chiều với con bố mẹ nhé!
Đọc tiếp
Tin liên quan
Sản phẩm mới