5 lời khuyên của chuyên gia marketing sách những cách hữu ích để giúp bạn dạy con học lớp 1 tốt hơn ở nhà
Mục lục
Lớp 1 là mốc đánh dấu bước chuyển quan trọng trong quá trình học tập và phát triển của trẻ em. Khác với lớp mầm non, khi con chỉ tập trung làm quen với các màu sắc, các vật thể và cuộc sống xung quanh mình, Tiểu học lại là môi trường học tập nghiêm túc hơn khi con sẽ phải học về các kiến thức phức tạp hơn, có thời gian biểu quy củ hơn cũng như tiếp xúc với một môi trường hoàn toàn mới. Như vậy, khi bước chân vào lớp Tiểu học, trẻ em dễ bị hoang mang, thậm chí là sợ và ám ảnh với việc đến trường. Để tránh tình trạng này ở con trẻ, phụ huynh nên theo sát và áp dụng các phương pháp phù hợp để cùng con học tập, giúp con thấy hứng thú và yêu thích việc học hơn. Từ đó, con cũng thích nghi với môi trường mới nhanh hơn, tiếp thu kiến thức và xây dựng kỹ năng nhanh hơn.
Giai đoạn vào lớp 1 quan trọng như thế nào đối với trẻ em
Giai đoạn vào lớp 1 là giai đoạn cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ em. Ngoài việc trẻ bắt đầu với một môi trường học tập chính thức, nghiêm túc và quy củ thì giai đoạn học Tiểu học cũng hình thành nên nhiều kỹ năng nền tảng cho sự phát triển của tính cách, thái độ và niềm yêu thích việc học của con.
Lớp 1 là mốc thời gian hình thành cho con các kỹ năng cơ bản nhất cần có là: đọc, viết, nói và tính toán các con số cơ bản. Bên cạnh đó, con cũng phát triển được các kỹ năng xã hội qua các môn học về khoa học - xã hội và các mối quan hệ xung quanh như bạn bè, thầy cô, anh chị,... Từ đó, giai đoạn học lớp 1 cũng ảnh hưởng đến thái độ của trẻ về học tập và tính cách, thái độ, hành vi trong tương lai.
Tại sao cha mẹ cần đồng hành cùng con khi con học lớp 1
Cha mẹ là những người con quen thuộc, thân thiết nhất từ khi sinh ra. Chính vì vậy, cha mẹ chính là những người mà con cần nhất khi bước vào lớp 1. Nếu khi con cần, cha mẹ lại không hiểu tâm tư của con và hỗ trợ con không đúng cách, con có thể bị mất tự tin và khép kín hơn. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến quá trình phát triển của con về sau này. Nếu cha mẹ luôn đồng hành cùng con, con sẽ phát triển các kỹ năng cơ bản, giúp con hình thành thói quen học tập và tăng cường sự tự tin cũng như niềm yêu thích học tập.
5 lời khuyên để cha mẹ đồng hành cùng con học lớp 1
Cha mẹ hãy theo dõi những phương pháp sau đây và thử áp dụng khi cùng con học các môn học ở lớp 1 nhé!
Tạo môi trường học tập sáng tạo cho con
Cha mẹ hãy đảm bảo rằng không gian học tập của con luôn có đầy đủ các đồ dùng cần thiết như sách, vở, bút và những món đồ trang trí bàn học mà con yêu thích. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sơn lại góc học tập hoặc chọn bàn ghế có màu sắc mà con yêu thích để con có thêm nhiều hứng thú học tập và đảm bảo con luôn có những phụ kiện học tập ở ngay bên cạnh mình khi con cần. Bạn cũng nên thường xuyên hỏi con xem liệu con có cần thêm dụng cụ học tập hay món đồ trang trí nào trên bàn học không. Bên cạnh đó, bạn nên tạo thêm cho con một không gian để con tự do sáng tạo, tìm hiểu và tự do học tập, gồm những món đồ chơi giáo dục như bộ xếp hình chữ cái, que phép tính, bộ xếp hình, lego,...
Đảm bảo sức khỏe cho con
Bên cạnh việc học tập, sức khỏe của con cũng là vấn đề rất quan trọng với con và cả cha mẹ. Với độ tuổi lớp 1, con chưa thể chủ động về vấn đề sức khỏe. Chính vì vậy, bạn cần phải là người để tâm đến con trong vấn đề này. Bạn có thể đảm bảo giấc ngủ của con bằng cách đặt ra các giờ giấc cụ thể, đến khi con đã quen với giờ giấc, bạn có thể yên tâm về vấn đề này. Bên cạnh đó, bạn cũng nên để ý đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày của con, bổ sung cho con đầy đủ các chất dinh dưỡng cần có, đặc biệt là các loại vitamin và khoáng chất cho con có đủ năng lượng để học tập.
Tìm hiểu và áp dụng các phương pháp học tập mới
Ở lớp 1, con có thể thấy khó khăn trong việc học chữ và làm phép tính. Với môn học tập đọc và viết chữ, bạn không nên ép con học quá nhiều, dồn dập quá nhiều kiến thức trong cùng một buổi học. Ở độ tuổi này, con vẫn chưa thể tập trung cao độ hay ghi nhớ nhiều thông tin cùng một lúc. Bạn cũng nên kết hợp việc học lý thuyết với đời sống thực tế bằng cách đưa những gì con yêu thích vào bài học. Ví dụ, với bài học đánh vần các chữ cái, bạn có thể hỏi con cách đánh vần tên loài vật yêu thích, tên loại quả mà con thấy ngon nhất,... để con thấy hứng thú hơn với việc học. Với bài học về phép tính, bạn hãy sử dụng phương pháp giáo cụ trực quan bằng cách mua các que tính hoặc bàn tính để con gắn việc học lý thuyết với việc vận động. Phương pháp này cũng giúp con tập trung và tư duy tốt hơn.
Cho con làm quen với lịch học tập và thời gian biểu
Ở lớp 1, khác với lớp mầm, con sẽ phải tập làm quen với lịch thời gian cụ thể, quy củ hơn. Để con làm quen với việc phân chia thời gian biểu, bạn hãy ngồi lại cùng con để xây dựng lịch học tập và sinh hoạt. Tuy nhiên, thời gian biểu này không cần phải quá chi tiết vì vô tình sẽ khiến con thấy gò bó, bạn hãy xác định các yếu tố quan trọng như giờ con học, giờ đi ngủ và giờ thức dậy để con hiểu được tầm quan trọng của các mốc thời gian này. Sau đó, bạn hãy khuyến khích con làm theo thời gian biểu đã quy định bằng cách thực hiện cùng con để con không cảm thấy mình cô đơn hoặc đưa ra các lời khen, phần thưởng khi con làm tốt.
Thường xuyên trò chuyện và động viên con
Ở độ tuổi này, điều con cần nhất là sự chia sẻ, động viên của cha mẹ. Bạn hãy thường xuyên hỏi con về bài học trên lớp, về các mối quan hệ xung quanh con như thầy cô giáo, bạn bè, đặc biệt là những khó khăn con gặp phải khi học tập. Khi bạn áp dụng những phương pháp mới cùng con học tập, bạn cũng nên hỏi con xem liệu con học có thấy vui không, có khó hiểu ở điểm nào không. Việc thường xuyên trò chuyện cũng giúp bé thấy thoải mái hơn, học được cách chia sẻ, bày tỏ quan điểm của mình và tự tin hơn mỗi khi nói lên tiếng nói của mình.
Kết luận
Trên đây là những lời khuyên dành cho cha mẹ khi cùng con học tập ở lớp 1. Việc bắt đầu hành trình này sẽ khó khăn, nhưng mong rằng cha mẹ sẽ kiên nhẫn và thường xuyên tâm sự, đồng hành cùng con trong suốt chặng đường. Chúc cha mẹ thành công!
Đọc tiếp
Tin liên quan
Sản phẩm mới