3 cách giúp trẻ phát huy khả năng sáng tạo

13/10/2022 426

Trẻ càng được khuyến khích, tự do chơi với ý tưởng của mình càng có nhiều cơ hội để phát triển.

Sự sáng tạo của trẻ em không giống như sự sáng tạo của người lớn. Một người trưởng thành được coi là có trí sáng tạo khi họ tạo ra cái mới, cái độc đáo, gắn với tính chủ đích, có tính bền vững và thường là kết quả của quá trình nỗ lực tìm tòi... Nhưng một em bé được coi là có trí sáng tạo khi trẻ bắt đầu từ sự tái tạo, bắt chước, mô phỏng… và thường không có tính chủ đích. Sự sáng tạo của trẻ em phụ thuộc nhiều vào xúc cảm, vào tình huống và thường kém bền vững.

 

 

Lứa tuổi 0-6 là lứa tuổi tràn ngập xúc cảm, phát triển trí tò mò, trí tưởng tượng bay bổng,… khả năng liên tưởng mạnh… vì vậy đây là giai đoạn tối ưu, là “mảnh đất” màu mỡ nhất để bố mẹ giúp con phát triển tư duy sáng tạo.

Chỉ vài mẫu gỗ, vải vụn, những mẩu giấy xé dán, hoặc chỉ là những nét vẽ nguệch ngoạc, bôi/quét màu xanh đỏ trên giấy không rõ hình thù..., vốn rất ít có ý nghĩa, thậm chí hoàn toàn vô bổ với người lớn, nhưng lại thu hút toàn bộ tâm trí trẻ, chúng chơi rất say sưa. Đó là vì trẻ được chơi với những ý tưởng của mình. Chính xúc cảm nảy sinh trong quá trình chơi, chứ không phải sản phẩm cuối cùng (bức vẽ đẹp hay không đẹp theo cách nhận xét thường thấy ở người lớn) nuôi dưỡng trí tưởng tượng sáng tạo. Dưới đây là một số cách để giúp trẻ phát huy khả năng sáng tạo.

 

 

Chơi trò chơi

Chơi trò chơi là hình thức bộc lộ cơ bản nhất, rõ nét nhất mọi sự sáng tạo của bé. Một trong những trò chơi thu hút trẻ em nhất  là trò chơi phân vai theo chủ đề. Đây là những trò chơi tạo điều kiện lớn nhất cho sự phát triển trí sáng tạo của trẻ. Trong những trò chơi này các bé tha hồ mô phỏng cuộc sống người lớn dưới góc của mình. Các bé có thể đóng vai mình là bác sĩ, là y tá, là chú lính hải quân rồi hành động giống như những gì mình thấy trên phim ảnh hay ngoài thực tế. Các bé có thể cắt những tờ giấy, ngắt những chiếc lá giả làm tiền trong trò chơi bán hàng; lấy viên bi giả làm quả trứng; lấy sỏi trắng làm cơm v.v… Trong các trò chơi này trẻ sẽ tự đặt ra quy tắc chơi, biết điều chỉnh quy tắc chơi cho phù hợp với tình huống…. Tất cả đều là biểu hiện của sự sáng tạo ở trẻ em.

 

 

Hoạt động vẽ và tô màu

Ngoài ra, để con vẽ bất kỳ những thứ con thích, sử dụng bất kỳ màu nào con muốn, ví dụ ông mặt trời màu xanh lá cây, hay ngôi nhà hình tròn, con mèo hình tam giác… cũng góp phần phát triển tính sáng tạo của trẻ. Hoặc bố mẹ có thể yêu cầu trẻ cùng mình vẽ một bức tranh hoặc cùng hoàn thiện một bức vẽ từ những hoạ tiết cho trước, hoặc cùng xé dán/cùng cắt lá cây / nặn đất màu… sau đó kể thành một câu chuyện có tình tiết, có lô gíc, đặt tên cho bức tranh cũng là một hoạt động đơn giản mà có tác dụng vô cùng tích cực.

 

 

Làm các thí nghiệm khoa học

Một gợi ý thú vị dành cho bố mẹ đó là hãy để bạn nhỏ sáng tạo những trò chơi hay thực hành những thí nghiệm khoa học đơn giản tại nhà. Chỉ với những vật dụng vô cùng đơn giản, thậm chí là sưu tầm từ chính những đồ vật bỏ đi trong gia đình mình, bố mẹ có thể hướng dẫn bạn nhỏ làm thành công các thí nghiệm hay những trò chơi khoa học thú vị.

Những kiến thức tưởng chừng như khá hàn lâm và khô khan với bạn nhỏ như bazơ, axit, sức căng bề mặt hay khối lượng riêng, … đều trở nên cực kỳ dễ hiểu và dễ nhớ qua các hướng dẫn thực hành trong những cuốn sách về khoa học.

 

 

Thật ra sự sáng tạo luôn hiện hữu trong hành vi của trẻ, vấn đề là người lớn có nhìn ra, có cổ vũ, có biết nhiều phương pháp để nuôi dưỡng và kích hoạt kịp thời hay không. Trẻ càng được khuyến khích, tự do chơi với ý tưởng của mình càng có nhiều cơ hội để phát triển. Chính thông qua những hoạt động được thiết kế tích hợp, trẻ sẽ học được cách quan sát, phát hiện thế giới, học cách đặt câu hỏi, học cách giải thích, trao đổi nhận xét, trải nghiệm những xúc cảm, tạo dựng sự tự tin, phát triển ngôn ngữ. Tóm lại, muốn con sáng tạo, chúng ta phải học cách sáng tạo cùng con, phải dành thời gian để chơi cùng trẻ.

Đọc tiếp

Tags

Tin liên quan

Lên đầu trang